Cảnh giác với bệnh tay - chân - miệng
Từ đầu năm đến ngày 24.3, toàn tỉnh ghi nhận 81 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), đáng chú ý có 1 bệnh nhi tử vong nghi do TCM. Ngành Y tế cảnh báo bệnh đang gia tăng. Riêng tuần thứ 12 (từ ngày 18 - 24.3) phát hiện 40 ca mắc mới, tăng 12 ca so với tuần trước đó, xảy ra ở 8 huyện, thị xã, thành phố; ghi nhận 3 ổ dịch tại TX Hoài Nhơn (An Hội, xã Hoài Sơn) và huyện Vân Canh (Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh; Kon Lót, xã Canh Liên).
TCM là bệnh truyền nhiễm lưu hành, rất dễ gây thành dịch; đỉnh dịch thường rơi vào từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11 hằng năm. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh diễn biến nhẹ, tuy nhiên, một số trường hợp có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não/màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân khuyến cáo: Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc TCM cao nhất. Khi phát hiện trẻ bị bệnh (các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối), cần đưa đi khám. Nếu trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng (kèm theo dấu hiệu thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao, giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh...) cần đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, do vậy, thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, cá nhân, nơi sinh hoạt hết sức cần thiết, đặc biệt thực hiện 3 sạch: Ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (người lớn và trẻ em), nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
HOÀNG ANH