Xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Ngành Y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và chuẩn bị các khâu tổ chức để đảm bảo triển khai tiêm an toàn, đúng đối tượng, ngay khi Bình Ðịnh được phân bổ vắc xin.
Ngày 26.2.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 (Nghị quyết 21). Theo Bộ Y tế, để thực hiện chiến dịch tiêm chủng 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 - chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, việc tổ chức tiêm chủng sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, bao gồm trạm y tế tuyến xã, TTYT tuyến huyện, bệnh viện, cần thiết sẽ huy động thêm các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện khác.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, Nghị quyết 21 quy định rõ 9 nhóm đối tượng và địa phương có dịch được ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung vắc xin còn hạn chế. Bình Định là địa phương không nằm trong diện được ưu tiên cung cấp vắc xin tiêm phòng Covid-19 ngay những đợt đầu, tuy nhiên Sở Y tế đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện rà soát, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện. Ngay sau khi được phân bổ vắc xin, chúng tôi sẽ tổ chức tiêm chủng, trên nguyên tắc an toàn và tiếp cận công bằng.
Kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ưu tiên 9 nhóm đối tượng, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Ngoài việc lựa chọn đối tượng tiêm chủng, trong đó ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch, công tác đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ, bảo quản vắc xin, xử trí sốc phản vệ sau tiêm được ngành Y tế quan tâm hàng đầu. Sở Y tế cũng dự kiến sử dụng cơ sở tiêm chủng mở rộng hoặc cơ sở tiêm chủng dịch vụ để triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Các điểm tiêm chủng phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản, an toàn tiêm chủng…
Ngày 26.3, các cơ sở y tế trong tỉnh tham gia hội nghị trực tuyến Bộ Y tế tập huấn an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Các chuyên gia về tiêm chủng cho rằng, mọi loại vắc xin cả cũ và mới phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn cho nên cần thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn về khám sàng lọc, phân loại người tiêm. Các chuyên gia về hồi sức cũng đã có hướng dẫn rất kỹ cho y tế tuyến cơ sở trong việc xử trí các ca phản vệ sau tiêm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, vắc xin phòng Covid-19 đang được sử dụng ở nước ta mặc dù có phản ứng không mong muốn, nhưng nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới.
Một số nước châu Âu tạm dừng tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, nhưng sau khi đánh giá lại, đã quay trở lại tiêm vắc xin này. Bộ Y tế xác định việc xử lý các ca phản ứng sau tiêm cao hơn một mức, cho nên có một số trường hợp sau tiêm vắc xin chưa phải phản vệ độ 2 nhưng đã xử lý ngay; yêu cầu các địa phương bảo đảm an toàn cao nhất cho người tiêm. Vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới, được tiêm trên diện rộng, số lượng lớn và phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Do vậy, cán bộ tiêm chủng cần được tập huấn lại, tập huấn mới, số lượng nhiều để đáp ứng cho công tác tiêm chủng về việc sử dụng vắc xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung, Sở đã triển khai hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đến các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT tuyến huyện và 26 cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Các cơ sở nghiên cứu, tập huấn đến từng cán bộ y tế liên quan để việc tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thực hiện đúng quy định khi Bình Định triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin này thời gian tới. “Vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, hiệu quả, song cùng với việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu “5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện các hướng dẫn phòng dịch Covid-19”, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MAI HOÀNG