Sức sống mới trên vùng căn cứ cách mạng xưa
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) là vùng căn cứ cách mạng của Huyện ủy An Nhơn, gắn với những địa danh lịch sử như Dốc 52, Ðồng Húa, Ðá Lố, Ðá Chẹt, An Trường… Từ khu căn cứ này, phong trào cách mạng của địa phương đã phát triển nhanh chóng, cùng với cả tỉnh và miền Nam tổng tấn công, nổi dậy, làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30.4.1975.
Chúng tôi trở lại vùng căn cứ cách mạng Nhơn Tân vào những ngày cuối tháng 3 lịch sử. Từ ngã tư quán Cai Ba giáp QL 19 đến công trình hồ chứa nước Núi Một, con đường huyết mạch của xã đã được thảm bê tông nhựa phẳng lỳ. Hai bên đường là những ngôi nhà mái ngói, mái bằng được xây dựng khang trang, cùng với đó là hệ thống điện, đường, trường, trạm… được đầu tư nâng cấp hoàn thiện. Xen lẫn giữa những ngôi nhà mới xây là những vườn cây ăn trái trĩu quả, tạo nên hình ảnh một vùng quê trù phú, năng động.
Di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng An Trường, xã Nhơn Tân.
Cú huých đưa Nhơn Tân phát triển trong thời gian qua chính là hồ chứa nước Núi Một, dung tích chứa hơn 110 triệu m3. Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Tân Đoàn Hải Nam cho hay: Nhờ nguồn nước dồi dào của hồ chứa nước Núi Một, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng, xem đây là thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc, mít Thái… được nông dân đưa vào trồng với diện tích khá lớn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, heo, gà, thỏ… để phát triển kinh tế hộ, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Trần Xuân Sắn, 69 tuổi, ở thôn Thọ Tân Bắc, tâm sự: Tôi quê gốc ở tỉnh Nam Định, đến Nhơn Tân lập nghiệp từ năm 1991. Tôi đã gắn bó với nơi này hơn 30 năm và đã chứng kiến sự thay đổi đi lên từng ngày của vùng căn cứ cách mạng Nhơn Tân. Nếu trước kia, nhắc đến Nhơn Tân ai cũng nghĩ đây là vùng kinh tế mới, với nhiều khó khăn thì giờ đây Nhơn Tân đã khác hẳn với diện mạo khang trang, sầm uất, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng phát triển.
Ông Sắn cho hay: “Nhiều năm nay, gia đình tôi đã mở hướng phát triển chăn nuôi thỏ để tăng thu nhập gia đình. Hiện trại nuôi thỏ của tôi đang nuôi 250 con thỏ sinh sản, mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng, đảm bảo cuộc sống gia đình”.
Vườn cây ăn quả của ông Trịnh Bô, thôn Thọ Tân Bắc.
Còn ông Trịnh Bô, chủ một gia trại trồng cây ăn quả ở thôn Thọ Tân Bắc thì cho rằng: Nhiều năm nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định nhờ trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, quýt đường, kết hợp chăn nuôi bò lai. Nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ hồ Núi Một, vườn cây ăn quả của gia đình lúc nào cũng tươi tốt, năng suất cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, đời sống của gia đình khởi sắc hẳn.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Nhơn Tân hiện nay còn là địa chỉ khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn xã đã hình thành Cụm công nghiệp An Trường, An Mơ, cụm kho bãi tập trung Nhơn Tân thu hút hàng chục DN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực: Khai thác, chế biến đá granite, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, sản xuất nước đá, xay xát gạo…
Một góc trung tâm xã Nhơn Tân.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong thời gian qua, Nhơn Tân đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Xã về đích nông thôn mới vào năm 2018. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã ước đạt 380 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2019. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 227 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ ước đạt 107 tỷ đồng; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 46 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân toàn xã đạt 47,5 triệu đồng/người/năm.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÂN