Hoài Ân hướng đến nông nghiệp chất lượng cao
Mấy năm gần đây, nhờ tích cực ứng dụng KH&CN vào sản xuất, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của nhiều HTXNN ở huyện Hoài Ân cao lên thấy rõ. Hơn nữa đây là tiền đề để huyện hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao.
Vườn rau áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của HTXNN công nghệ cao La’sfarm.
Toàn huyện Hoài Ân hiện có 22 HTX đang hoạt động, trong đó có 16 HTXNN thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 6 HTX chuyên ngành nông nghiệp thành lập năm 2020. Về chất lượng, có 50% HTXNN đang hoạt động hiệu quả, một số vươn lên trở thành HTXNN hàng đầu của tỉnh.
Năm 2019, HTXNN Ân Tín (xã Ân Tín) trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ. Quy trình kỹ thuật trồng lúa không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu, sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh để tạo ra sản phẩm lúa, gạo sạch; được thị trường đón nhận tích cực. Ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTXNN Ân Tín, cho biết: Để nâng cao khả năng đáp ứng thị trường, thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích canh tác; đồng thời đầu tư ứng dụng công nghệ cấy mạ và công nghệ sấy lúa để nâng cao phẩm cấp sản phẩm gạo sạch.
Một ví dụ khác, HTXNN công nghệ cao La’sfarm, thành lập trong năm 2020 là đơn vị đầu tiên trong tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. HTX ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao của Israel như: Trồng rau trong nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động hẹn giờ và điều khiển trên điện thoại, bón phân vi sinh để tạo ra những sản phẩm theo hướng hữu cơ và đạt chuẩn VietGAP. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là dưa lưới, đẹp về mẫu mã, đều về kích cỡ, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
Liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm là cách mà nhiều HTX thực hiện. HTXNN 19.4 (xã Ân Tường Tây) được thành lập năm 2020, chuyên trồng cây bưởi da xanh theo hướng VietGAP. Với 9 thành viên/20 ha, HTX có thể cung ứng 200 tấn quả mỗi năm. Ông Nguyễn Hoài Thương, Giám đốc HTXNN 19.4, chia sẻ: Để nâng cao thương hiệu bưởi da xanh Hoài Ân, chúng tôi xác định xây dựng chuỗi liên kết là cần thiết. Chuỗi liên kết sẽ tạo ra sản phẩm đồng dạng về trái và chất lượng. HTX đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân và ký hợp đồng với DN để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung xây dựng kho vật tư nông nghiệp nhằm thu gom bưởi về để sơ chế, chế biến, đóng gói và hỗ trợ bao bì nhãn mác, giúp nâng cao giá trị sản phẩm bưởi. Đến nay, HTX đã kết nối được đầu mối tiêu thụ sản phẩm với một DN ở Bến Tre và dự kiến nếu thành công bưởi Hoài Ân có thể xuất sang thị trường châu Âu và Hàn Quốc.
Bưởi da xanh trồng trên đất Hoài Ân cho chất lượng quả ngon nên thương lái rất thích.
Trước đây, các hộ thành viên HTXNN Trà Gò Loi chỉ sản xuất quy mô nhỏ, manh mún. Sự ra đời của HTX kiểu mới giúp những người sản xuất nhỏ lẻ tập hợp nhau trong một tổ chức kinh tế chung mang tính liên kết bền vững hơn. Đến nay, Trà Gò Loi đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và công nhận là sản phẩm OCOP. Thương hiệu Trà Gò Loi được biết đến rộng rãi trên toàn quốc.
Ông Võ Duy Tín, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, chia sẻ: Việc có nhiều HTXNN đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã góp phần nâng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Để phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, thời gian đến, huyện sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật, đất đai, vay vốn để các HTX đầu tư phát triển sản xuất. Công tác quảng bá, giới thiệu, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cũng được chú trọng. Ngoài ra, huyện còn triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tạo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm nông sản; qua đó góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân và HTX.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ