Đoạn kết có hậu sau bài báo
Gần đây, Báo Bình Định có nhiều bài viết phản ảnh những số phận bất hạnh, cảnh đời oan trái. Sau khi báo đăng tải, nhiều trường hợp trong số này đã tìm được những cái kết có hậu…
Gặp lại người đàn ông “mặt bướu”
Những ngày giáp Tết, chúng tôi tìm về thôn Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát để gặp lại người đàn ông “mặt bướu”. Ông tên là Võ Văn Khứ, 53 tuổi, nhưng 36 năm phải mang khối u “khủng” trên mặt với bao nỗi đau đớn về thể xác. Bao nhiêu của cải trong gia đình ông Khứ cũng tiêu tan theo quá trình chạy chữa. Cho đến một ngày đầu năm 2013, ông Khứ được bác sĩ Trang Xuân Chi (tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Bình Định) viết bài đăng trên mục “Nhịp cầu nhân ái” Báo Bình Định để kêu gọi sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.
Với sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là sự nhiệt tình của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khối u “khủng” có kích cỡ 14 cm x 16 cm trên mặt ông Khứ được phẫu thuật, cắt bỏ thành công.
Khi chúng tôi có mặt tại nhà ông Khứ cũng là lúc những người bà con của ông vừa từ Khánh Hòa về thăm, ai thấy cũng vui mừng vì khuôn mặt của ông đang dần trở lại bình thường. Gặp lại ông trong diện mạo mới, ai cũng khóc vì xúc động.
Ông Khứ tâm sự: “Mấy chục năm rồi, mỗi lần Tết đến là tôi thấy buồn tủi thêm vì ngại gặp người thân, bạn bè. Giờ trút được “gánh nặng” đeo đẳng suốt 36 năm trên mặt, tôi thấy hạnh phúc đến không tả nổi. Cảm ơn những tấm lòng nhân ái, cảm ơn y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các nhà báo, những người đã giúp đỡ tôi!”.
Nguyễn Anh T. (bên trái ảnh) đang học tại mái ấm của Làng trẻ em SOS Quy Nhơn.
Hạnh phúc tìm lại của cậu học trò nhỏ
Bẵng đi hơn một năm, những ngày cuối năm 2013, tôi tình cờ gặp lại Nguyễn Anh T. (SN 2002) tại Trường Tiểu học số 1 Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). T. là trường hợp bị mẹ kế bạo hành, được Báo Bình Định phản ảnh qua bài “Cần ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em”, sau đó được Làng trẻ em SOS Quy Nhơn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc vào năm 2012. So với hơn một năm trước, T. năng động, hoạt bát hơn nhiều; đặc biệt, khuôn mặt và ánh mắt của T. ánh lên niềm vui.
T. hồn nhiên khoe: “Từ khi vào Làng, em không bị ai đánh đập nữa. Hàng ngày, em được các mẹ, các dì chăm sóc và được chơi với anh chị em trong làng, rất vui. Vui nhất là nay em đã được đi học như bao bạn khác. Tết này, em lại có quần áo mới!...”.
Trước khi được nhận vào Làng trẻ em SOS Quy Nhơn, T. chưa một ngày được đến trường. Bởi vậy, dù năm nay đã 12 tuổi nhưng T. mới học đến lớp 2. Được hỏi về kết quả học tập, T. phấn khởi: “Năm học nào em cũng đạt học sinh khá, được các mẹ, các cô, các bác trong Làng khen rất nhiều”.
“Báo chí đã giải oan cho bà ấy”
Thăm gia đình ông Lê Ngọc Trọng, 58 tuổi, có vợ là cô giáo Nguyễn Thị Lợi, 47 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (2 nhân vật trong bài viết “Vụ cô giáo bị tố “nhốt chồng” ở Tây Sơn: Sự thật và nỗi ân hận của người chồng” - Báo Bình Định số ra ngày 20.10.2013), chúng tôi thấy an lòng trước cảnh ông Trọng được vợ chăm sóc thuốc men, ăn uống cẩn thận để vượt qua căn bệnh thận tai ác. “Do bệnh tật kéo dài, hoàn cảnh túng quẫn khiến tôi bi quan, suy nghĩ thiển cận. Bởi vậy, tôi đã tố cáo vợ nhốt chồng vì nghĩ làm vậy vợ sẽ chăm sóc cho mình hơn. Không ngờ, suy nghĩ nông nổi ấy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình tôi, vợ tôi phải chịu những điều tiếng oan ức. Báo Bình Định đã kịp thời viết bài, minh oan cho vợ tôi. Tôi thấy vô cùng ân hận và cảm ơn nhà báo”, ông Trọng xúc động.
Giờ đây, tuy nỗi vất vả để giành giật sự sống cho ông Trọng chưa qua, nhưng vợ và hai đứa con nhỏ của ông đã không còn phải nhận những tiếng thị phi, cái nhìn soi mói của dư luận. Bản thân ông Trọng cũng giải tỏa được phần nào nỗi ân hận bởi việc làm bồng bột. Sau biến cố đáng tiếc, giờ đây, gia đình họ lại vui vầy, sẻ chia và cùng nhau tìm cách vượt qua khó khăn, bệnh tật.
VĂN LỰC