Xây nền tảng cho phát triển công nghiệp công nghệ số
Từ Khu Ðô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa đến Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Ðô thị phụ trợ Long Vân, Bình Ðịnh đang bắt tay xây dựng nền tảng cho mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ 4.0...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nêu 5 trụ cột tăng trưởng KT-XH trong 5 năm tới; trong đó cùng với phát triển công nghiệp, du lịch, kinh tế đô thị, công nghiệp công nghệ 4.0 cũng được hướng đến để tạo dựng nền kinh tế bền vững, có hàm lượng chất xám lớn.
Đón đầu phát triển
Việc đón đầu xu hướng phát triển về công nghệ số bắt đầu khi Quy Nhơn - Bình Định được tỉnh đầu tư mô hình thành phố khoa học, giáo dục đầu tiên của Việt Nam, với sự hình thành của Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Từ thỏi nam châm của Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành, khu đô thị thu hút thêm hai dự án khoa học, giáo dục là Tổ hợp Không gian khoa học, Khách sạn Vì khoa học. Đến năm 2020, Công viên sáng tạo TMA Bình Định do Công ty TMA Solutions (TP Hồ Chí Minh) - “sếu đầu đàn” về công nghệ phần mềm tại Việt Nam cũng đi vào hoạt động tại đây, với kế hoạch phát triển mạnh về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), các dự án nghiên cứu về ứng dụng công nghệ…
Mô hình Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ sẽ đầu tư xây dựng trên diện tích 94 ha. Ảnh: Chi nhánh FPT Software Bình Định
Công viên sáng tạo TMA Bình Định trên diện tích đầu tư 15 ha tại Quy Hòa là một dự án điển hình, dự án mẫu để mở đường cho tỉnh Bình Định thu hút các nhà đầu tư, tạo đột phá mới để phát triển công nghệ cao, hiện thực hóa mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 150 kỹ sư công nghệ thông tin gia nhập vào đội ngũ TMA Bình Định, một kế hoạch liên kết đào tạo và “đặt hàng” Trường ĐH Quy Nhơn và trường đại học các tỉnh lân cận trong đào tạo kỹ sư giỏi cũng được TMA Solutions triển khai mạnh để hoàn thành mục tiêu khoảng 3.000 kỹ sư, chuyên gia phần mềm. Khi đó, Quy Nhơn sẽ là một trong những trung tâm lớn của cả nước về sản xuất phần mềm, đưa làn sóng sản xuất phần mềm dịch chuyển từ hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước về Bình Định.
Cũng trong năm 2020, một dự án quy mô lớn về công nghệ số cũng được tỉnh cấp phép triển khai đầu tư tại TP Quy Nhơn là Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân, do Liên danh FPT Quy Nhơn (Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng, Công ty TNHH Đầu tư FPT, Công ty TNHH Phần mềm FPT) làm chủ đầu tư. Không kể quy mô diện tích lên đến 94 ha, tổng chi phí thực hiện hơn 4.362 tỷ đồng, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cho hay: Dự án hướng đến mục tiêu tạo một khu đô thị hiện đại về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo (nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người), góp phần thu hút đầu tư lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo và phát triển theo thời đại công nghệ 4.0, hướng đến thời đại công nghệ 5.0.
Thúc đẩy công nghiệp ICT
Với các quy hoạch cho đề án Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, cùng dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Long Vân, đường hướng xây dựng “công nghiệp không khói” cũng lộ diện rõ hơn.
Ông Hà Quang Hưng, Chánh Văn phòng Công ty TNHH Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn, cho biết, Trung tâm trí tuệ nhân tạo là mô hình đầu tiên triển khai tại Việt Nam, với phần lõi là trung tâm AI có diện tích khoảng 11 ha, chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, bên cạnh đó là khu smart city với nhiều tiện ích cho chuyên gia, người dân như xe tự hành không người lái, hạ tầng thông minh ứng dụng công nghệ 4.0... Sau quyết định cấp chủ trương đầu tư cuối tháng 11.2020, đến cuối tháng 3.2021 này, tỉnh tiếp tục phê duyệt triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án. Chúng tôi đang khẩn trương triển khai lập quy hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho chuyển mục đích sử dụng đất của khu vực đầu tư; phối hợp với Sở TN&MT lên kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng đầu tư dự án.
Công viên sáng tạo TMA Bình Định xây dựng chiến lược đào tạo, liên kết đào tạo và “đặt hàng” đào tạo nhân lực đảm bảo mục tiêu 3.000 kỹ sư, chuyên gia phần mềm làm việc tại đây.
- Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ ba, từ phải sang) thăm, làm việc tại Công viên sáng tạo TMA Bình Định. Ảnh: THU HIỀN
Trong buổi làm việc mới đây với FPT, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định, tỉnh tạo điều kiện tốt nhất để công ty hoàn thành các dự án đầu tư, đồng thời hỗ trợ cho DN thực hiện việc thu hút nhân sự trình độ cao và chuyên gia nước ngoài đến tỉnh Bình Định làm việc…
Ông Vũ Văn Đông, Giám đốc Chi nhánh FPT Software Bình Định cho biết, các khâu chuẩn bị về đào tạo, thu hút nhân lực AI giỏi; kết nối nhà đầu tư cũng được FPT triển khai mạnh. “Chiến lược của Tập đoàn FPT chọn Quy Nhơn là nơi phát triển công nghệ AI. Vì vậy, những gì liên quan đến đầu tư AI, nhân lực giỏi sẽ được thu hút về đây”, ông Đông nói.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha nhấn mạnh: “Tỉnh Bình Định đang phối hợp TMA Solutions xúc tiến triển khai tham gia vào chuỗi công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh). Sở TT&TT đang hoàn thiện đề án với diện tích quy hoạch 48,6 ha, bao gồm cả Công viên sáng tạo TMA Bình Định, để trình UBND tỉnh trước ngày 15.4 tới. Sau khi đề án Khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định được phê duyệt, tỉnh xúc tiến tham gia vào chuỗi công viên phần mềm Quang Trung, tạo điều kiện hỗ trợ DN công nghệ thông tin đã đầu tư, hoạt động tại Quy Hòa; thu hút DN công nghệ thông tin trong và ngoài nước đầu tư vào khu công viên phần mềm với các điều kiện cơ chế, chính sách thuận lợi. Đặc biệt, tỉnh cũng đang xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số để làm rõ hơn cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các DN công nghệ thông tin đầu tư vào Bình Định”.
THU HIỀN