Nỗi đau và tình người
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Lê Trọng Cư đầu độc gia đình ông Phạm Kính - gia đình người vợ chưa hôn thú của bị cáo - khép lại với mức án 7 năm tù. Một phiên tòa xử giết người nhưng bao trùm chỉ là nỗi đau thinh lặng ở bị cáo lẫn bị hại vì đã vĩnh viễn mất đi hạnh phúc muộn màng.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Trọng Cư tại TAND tỉnh ngày 25.3.
Nỗi đau...
Bị cáo Lê Trọng Cư (SN 1982) học chỉ đến lớp 4, hạn chế về sức khỏe, đến năm 37 tuổi vẫn chưa lập gia đình, sống cùng mẹ ở thôn Khánh Trạch, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn (cha đã mất). Mẹ bị cáo - bà Phạm Thị Chúc cho biết, mãi đến sau khi Cư phạm tội mới biết con bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (kết luận giám định pháp y tâm thần, bị cáo bị tâm thần phân liệt thể không biệt định, tiến triển từng giai đoạn có thuyên giảm), chứ trước đây chỉ nghĩ tính con vốn ít nói, khó chia sẻ, đôi lúc cộc cằn nhưng chất phác.
Cư từng quen vài phụ nữ với ý định tiến đến hôn nhân nhưng đều không thành, nên khi Cư gắn bó với chị Phạm Thị Gái (SN 1977, ở thôn An Giang Tây, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) - con gái ông Kính, bà Chúc rất mừng. Bà thông cảm cho tâm lý của đằng “sui” muốn gần gũi, bảo bọc con gái, nên dù một mẹ một con, tuổi cao, gia cảnh khó khăn, bà Chúc vẫn vui vẻ để con ở rể, nào ngờ duyên muộn quá ngắn ngủi.
Theo cáo trạng, sau đám cưới (tháng 3.2019, nhưng không có đăng ký kết hôn), Cư và chị Gái sống cùng nhà cha mẹ chị Gái, đến cuối 2019, họ được vợ chồng ông Kính cho một mảnh đất phía sau xây nhà ở riêng. Quá trình sống gần nhau, giữa Cư và ông Kính thường xảy ra mâu thuẫn, ở “cửa giữa” hòa giải không được, chị Gái đã chọn chữ “hiếu”. Nỗ lực hàn gắn không thành, Cư về nhà mẹ ruột ở, thỉnh thoảng đến thăm, níu kéo tình cảm với chị Gái nhưng đều bị chị và gia đình xua đuổi.
Bức xúc và bất lực, ngày 6.6.2020, sau một lần bị cự tuyệt tình cảm, Cư đã mua thuốc diệt cỏ không màu, không mùi đem pha loãng và đổ vào nước uống nhà ông Kính để đầu độc. Người đầu tiên uống phải nước có độc chính là chị Gái, nhưng chị may mắn được cấp cứu kịp thời.
Trước giờ nghị án, bà Chúc buồn bã cho hay, vụ việc may mắn không để lại hậu quả nghiêm trọng, tòa nhận định bị cáo Cư ăn năn, thành khẩn khai báo, nhận hết trách nhiệm, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên bà tin con sẽ được nhận bản án khoan hồng. Song, còn một nỗi đau khác là con bà đã thực sự đánh mất cơ hội tìm kiếm tình yêu, tạo dựng hạnh phúc gia đình cho mình. Bà Chúc tâm sự: “Cư khát khao hạnh phúc gia đình, thèm có một mụn con lắm, có lẽ vì bất lực níu kéo mà hồ đồ trút giận, lầm lạc. An ủi, cảm động biết bao khi ra tòa, con được phân tích thấu đáo về lỗi lầm của mình, được hướng thiện và được tha thứ”.
...và tình người
Trong suốt câu chuyện về hạnh phúc gia đình ngắn ngủi cũng như sai phạm lớn của con trai, người viết bất ngờ khi bà Chúc luôn gọi chị Gái là “con dâu tui” một cách tự nhiên và đầy ấm áp. Tại tòa, bà Chúc khá rụt rè, lại lãng tai, nên đã được mời lên phía trên để trả lời câu hỏi. Từ bàn “bị hại”, chị Gái liền quay sang nắm lấy tay bà “má lại đây với con”, kèm những cái vỗ nhẹ vào lưng bà trấn an. Chi tiết nhỏ thoáng qua gây xúc cảm cả phiên tòa. Hai người phụ nữ ở hai thế đối lập đứng cạnh nhau với nỗi đau chung, cách họ vài bước chân là Cư đang cúi đầu trước bàn “bị cáo”. Có lẽ y đang đau khổ, hối tiếc vì trong một phút mất lý trí đã đập đổ một mối quan hệ tốt đẹp, tự tay khép cánh cửa hạnh phúc của mình.
Trình bày với tòa, chị Gái từ chối giám định ảnh hưởng sức khỏe, không yêu cầu bồi thường gì thêm, nhấn mạnh việc gia đình bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả và tha thiết xin giảm nhẹ hình phạt tối đa có thể cho bị cáo. Nghe những lời nghĩa tình từ con dâu, bà Chúc lại nghẹn ngào.
Với tội danh “Giết người”, tình tiết “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” nhưng may mắn không gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Lê Trọng Cư nhận 7 năm tù. Mức án tòa tuyên thống nhất với đề nghị trước đó của đại diện Viện KSND tỉnh và luật sư.
Đây có lẽ là một vụ án giết người “đặc biệt”, khi mà bị cáo nhận thức sâu sắc sai phạm của mình, không đổ thừa cho hoàn cảnh, cũng không tận dụng các tình tiết giảm nhẹ (như hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, là gia đình có công với cách mạng…) để xin giảm án; tương tự, phía bị hại cũng thể hiện thái độ chia sẻ trách nhiệm và lòng bao dung. Giá trị cảnh báo từ phiên tòa cũng hiện lên sinh động qua những phân tích thấu tình đạt lý và đầy hướng thiện từ thẩm phán Nguyễn Thị Hoài Xuân - Chủ tọa phiên tòa và thẩm phán Lê Xuân Hải. Có thể nói, những chi tiết ấm tình người, gác lại nỗi đau, hóa giải mọi hiềm khích và thông điệp nhân văn, giàu tính giáo dục từ phiên tòa “kết thúc có hậu” này rất đáng để dư luận suy ngẫm.
Bài, ảnh: SAO LY