Cẩm Uyên “digital marketing”
Xuất phát từ đam mê ngành tiếp thị số, chị Nguyễn Thị Cẩm Uyên (29 tuổi, TP Quy Nhơn) đã phấn đấu trở thành giảng viên, người sáng lập Công ty TNHH Giải pháp kết nối Thương mại Ðiện tử - ENS (trụ sở đặt tại TP Hồ Chí Minh). Mong muốn của chị là được chung tay phát triển ngành công nghiệp tiếp thị quảng cáo này ngay tại quê hương Bình Ðịnh.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Uyên giảng dạy về tiếp thị số tại Không gian Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh.
Tiếp thị số (digital marketing) là sử dụng các phương tiện kỹ thuật số trên internet để tiếp cận khách hàng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm và kích thích hành vi mua hàng của họ. Đây là ngành chỉ mới phát triển vài năm gần đây nhưng đã kịp tạo dựng uy thế của mình nhờ sức tác động không giới hạn của nó.
Từ nhỏ, Uyên đã đam mê kinh doanh, nên từ khi vào năm thứ nhất ngành Quản trị kinh doanh của Học viện Hàng không Việt Nam (TP Hồ Chí Minh), chị đã đi làm thêm trong mảng thương mại điện tử tại những DN hàng đầu Việt Nam như: VinaGame, FPT, Haravan, VinGroup... Tại đây, chị có cơ hội tham gia nhiều dự án lớn và vừa làm việc vừa học tập nghiên cứu về tiếp thị số. Năm 2017, chị chính thức trở thành giảng viên chuyên ngành thương mại điện tử của Công ty CP FPT. Từ đó đến nay, chị đã tham gia tư vấn, huấn luyện tiếp thị số cho hơn 5.000 học viên tại các DN, học viện và trường học trên cả nước.
Chị Cẩm Uyên chia sẻ: “Tiếp thị số là ngành khoa học về chinh phục khách hàng trong thời đại số. Vì vậy, cùng với kiến thức, đam mê, nghề này đòi hỏi mình phải có nhiều kỹ năng mềm, chuyên môn vững chắc cũng như khả năng thích ứng, chịu khó”. Chuỗi thời gian vừa đi học, đi làm, giảng dạy đã giúp Cẩm Uyên có nền tảng vững vàng để năm 2019 đủ điều kiện thành lập Công ty TNHH Giải pháp kết nối Thương mại Điện tử (ENS). Chỉ sau 2 năm, ENS đã trở thành một DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ quảng cáo và đào tạo kinh doanh trên nền tảng công nghệ số giàu uy tín ở TP Hồ Chí Minh.
ENS hiện đang trong quá trình chuyển đổi sang công ty cổ phần để tăng vốn, mở rộng kinh doanh. Trong chiến lược mới của ENS, Bình Định là thị trường được chọn để phát triển đầu tiên. “Một phần Bình Định là địa phương có chỉ số thương mại điện tử luôn được xếp ở mức khá, nhưng chưa có đơn vị nào hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị số tại đây. Mặt khác, đây cũng là tâm huyết của tôi mong muốn được chung tay góp phần tạo ra một thị trường thương mại điện tử phát triển sôi động tại quê nhà” - Cẩm Uyên chia sẻ. Mục tiêu của ENS là đem đến những khái niệm và tầm nhìn mới về tiếp thị số giúp DN thay đổi thói quen tiếp thị truyền thống và áp dụng sức mạnh của kỹ thuật số tạo ra đòn bẩy gia tăng lợi nhuận trong kinh doanh.
Hiện ENS đang triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN nhằm thiết lập các mối quan hệ tại địa phương. Một trong những hoạt động đó là việc phối hợp Sở KH&CN tổ chức chương trình đào tạo miễn phí về tiếp thị số tại Không gian Hỗ trợ Khởi nghiệp. Trong tháng 9 tới, Uyên sẽ hợp tác với Tập đoàn FPT giảng dạy về tiếp thị số cho sinh viên ĐH FPT. Ngoài các lớp học ở trường, sinh viên có thể đăng ký thực tập và học thêm tại ENS để có thêm kinh nghiệm làm dự án.
Bên cạnh đó, chị còn giúp một số DN xây dựng fanpage Facebook hay website miễn phí. Sau khi áp dụng tiếp thị số vào kinh doanh, nhiều DN bắt đầu đầu tư lớn hơn cho mảng này. Anh Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Nhà hàng Hoàng Thao Seaview (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) chia sẻ: Nhà hàng mới mở ở một xã bán đảo thưa người nên tôi rất quan tâm đến việc quảng bá để thu hút khách hàng. Sau khi được ENS tư vấn và xây dựng chiến dịch quảng cáo từ việc xây dựng logo, website đến tạo lập các nền tảng xã hội, google map... nhà hàng đã được nhiều người biết đến hơn, nhờ đó doanh thu cũng tăng cao hơn.
Dù còn ở những bước đi đầu tiên, nhưng hy vọng với sự có mặt của ENS sẽ tạo nên làn gió mới đưa Bình Định phát triển hơn nữa trong lĩnh vực thương mại điện tử.
HỒNG HÀ