Tây Sơn làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tây Sơn chú trọng, quan tâm và đã đạt hiệu quả khả quan. Huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ đó, số lao động nông thôn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm hàng năm đều tăng, góp phần tích cực nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Anh Nguyễn Văn Hải chăm sóc đàn bò của gia đình.
Bà Trần Thị Bích Lệ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn, cho biết: “Năm qua, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai sát với tình hình thực tế tại địa phương; đã mở 16 lớp nghề cho 433 học viên với kinh phí 789,9 triệu đồng, số lao động có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ trên 90%. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các công ty, DN trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều phiên tư vấn giới thiệu và tuyển dụng công nhân đi làm việc tại các khu công nghiệp, tạo sự gắn kết giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm”.
Anh Nguyễn Văn Hải ở thôn 4, xã Bình Nghi, tham gia học lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, chia sẻ: “Trước chưa được học nghề, tôi và một số hộ trong thôn chăm sóc rất sơ sài, chủ yếu thả rông nên đàn bò sinh trưởng, phát triển chậm. Từ khi tham gia lớp học, tôi đã biết áp dụng các kiến thức kỹ thuật vào chăn nuôi như pha trộn và dự trữ thức ăn, trồng cỏ, ủ cỏ để dùng trong mùa mưa, che chắn chuồng trại, nhờ đó, đàn bò của tôi mau lớn hơn”.
Không chỉ anh Hải mà còn nhiều lao động nông thôn khác ở huyện Tây Sơn tham gia nhiều lớp học nghề đã có hướng sản xuất, chăn nuôi đúng, nâng cao thu nhập, góp phần làm thay đổi cuộc sống. Điển hình như anh Đỗ Xuân Hiệp với nghề sản xuất hàng mây tre đan ở xã Bình Tân, chị Nguyễn Thị Dung với nghề làm bánh ngọt truyền thống ở xã Bình Nghi, anh Nguyễn Văn Chúng làm nghề trồng nấm ở xã Bình Thành…
Ông Lâm Văn Lành, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn, cho hay: Năm 2020, ngoài việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Tây Sơn còn phối hợp các sở, ngành và các công ty tư vấn giới thiệu xuất khẩu lao động cho trên 800 người lao động, kết quả có 67 trường hợp đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, toàn huyện có khoảng 1.000 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Một số xã có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều như Tây Giang, Tây Thuận… Đồng thời, huyện cũng phối hợp với Phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện giải ngân trên 12 tỷ đồng cho 269 hộ vay để phát triển kinh doanh, sản xuất. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 3.479 hộ với 9.530 nhân khẩu, giảm 1,2% so với năm 2019, vượt 0,7% so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra.
TÍN TRỌNG