Cầu thủ Than Quảng Ninh đình công do bị nợ 7 tháng lương
Ngày 1.4, Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Than Quảng Ninh Phan Thanh Hùng chia sẻ từ năm 2019 đến nay, chỉ có Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (đơn vị quản lý đội bóng) gánh mọi khoản chi mà không có một nhà tài trợ nào giúp sức. Phía tỉnh Quảng Ninh hiện chưa có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Pha tranh bóng trên không của các cầu thủ Than Quảng Ninh (áo xanh) và Hải Phòng trên Sân vận động Lạch Tray. (Nguồn: TTXVN)
Việc nợ 7 tháng lương liên tiếp đã khiến các cầu thủ của Câu lạc bộ Bóng đá Than Quảng Ninh bất đắc dĩ phải “đình công,” ngừng tập luyện từ chiều 31.3.
Theo một thành viên lãnh đạo đội bóng, Câu lạc bộ mới thanh toán tiền lương đến hết tháng 8.2020.
Câu lạc bộ còn nợ 7 tháng lương và các khoản tiền chuyển nhượng cầu thủ của các mùa bóng 2019, 2020 và 2021 do khó khăn về tài chính. Nhiều nguồn tài trợ không còn được duy trì.
Từ năm 2020, Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tìm các giải pháp gỡ khó về tài chính.
Thậm chí, Chủ tịch Câu lạc bộ Phan Thanh Hùng từng có ý định trả lại đội bóng cho tỉnh Quảng Ninh.
Trong cuộc họp gần đây nhất vào giữa tháng 12.2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho Công ty khoáng sản vàng Hà Giang.
Tuy nhiên, kể từ cuộc họp tháng 12.2020 đến nay, những vướng mắc, khó khăn cũng như đề xuất của Công ty khoáng sản vàng Hà Giang chưa được giải quyết.
Do các cầu thủ đồng loạt ngừng tập luyện, chiều 31.3, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã có mặt tại sân tập để động viên các cầu thủ tiếp tục chuẩn bị cho trận gặp Câu lạc bộ Bình Dương vào ngày 3.4.
Bà Nguyễn Kiều, Trưởng đoàn Đoàn bóng đá Than Quảng Ninh, chia sẻ về khó khăn của đội: "Hiện tại Câu lạc bộ Than Quảng Ninh đang quản lý, đào tạo các đội bóng ở các lứa tuổi U11, U13, U15, U17, U21 và đội 1 của Than Quảng Ninh. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh ký hợp đồng với Câu lạc bộ để đào tạo cầu thủ trẻ (U11-U17) với khoản kinh phí 18-20 tỷ đồng/năm."
"Tuy nhiên, năm 2020 do dịch Covid-19 nên khoản kinh phí này bị giảm đáng kể. Hàng ngày, chỉ riêng chi phí ăn uống, sinh hoạt của các đội bóng với gần 200 người cũng là khoản tiền lớn. Ngoài các bữa ăn chính tại câu lạc bộ, các cầu thủ cũng không có điều kiện cải thiện dinh dưỡng nên ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần thi đấu của đội bóng," bà Nguyễn Kiều nói thêm.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết với mô hình bóng đá chuyên nghiệp, ngân sách nhà nước không thể hỗ trợ, chi trả cho các đội bóng. Doanh nghiệp quản lý đội bóng phải tuân theo luật pháp như các doanh nghiệp khác, không có sự khác biệt.
Tại cuộc họp tháng 12.2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến rằng việc duy trì đội bóng đá mang tên Than Quảng Ninh là “món ăn tinh thần,” là truyền thống của người vùng mỏ nên không thể để đội bóng tan rã.
Tại mùa giải V.League 2020 Câu lạc bộ Bóng đá Than Quảng Ninh đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng.
Sau 6 vòng đấu của mùa giải V.League 2021, Câu lạc bộ Than Quảng Ninh hiện đang đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng với 12 điểm (sau Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, 13 điểm).
Trận thắng gần đây nhất của đội là trận gặp Câu lạc bộ Hải Phòng với tỷ số 2-0 trên sân Lạch Tray vào chiều 28.3.
Câu lạc bộ Bóng đá Than Quảng Ninh vốn là đội bóng đá nam của ngành than. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã bàn giao câu lạc bộ cho Công ty Tuyển than Cửa Ông quản lý từ tháng 1.2010.
Do quy định của pháp luật, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam không thể quản lý đội bóng đá chuyên nghiệp nên tháng 9.2014, Câu lạc bộ Bóng đá Than Quảng Ninh được bàn giao lại cho Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang.
Khi đó, phía Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cam kết mỗi năm tài trợ cho đội bóng khoảng 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay khoản tài trợ này bị cắt nên đội bóng càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)