Bầu cử đại biểu Quốc hội - những chặng đường đã qua
QUỐC HỘI KHÓA I (1946 - 1960)
Quốc hội khóa I có 403 đại biểu, trong đó có 333 đại biểu được bầu trực tiếp qua lá phiếu của cử tri trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước ta diễn ra ngày 6.1.1946. 70 đại biểu không qua bầu cử gồm: 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng. 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 43% số đại biểu không đảng phái. Số ĐBQH không qua bầu cử thể hiện chủ trương của Việt Minh là hòa hợp dân tộc để tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa I đã công nhận danh sách Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa I đã thông qua 2 bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết. Nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội khóa I kéo dài từ tháng 1.1946 đến tháng 5.1960 (do điều kiện chiến tranh, đất nước tạm thời chia cắt nên không tổ chức bầu cử được khóa mới trên phạm vi cả nước).
Tỉnh Bình Định có 12 đại biểu Quốc hội khóa I.
QUỐC HỘI KHÓA II (1960 - 1964)
Quốc hội khóa II có 453 đại biểu, trong đó số đại biểu được bầu mới trong ngày 8.5.1960 là 362 đại biểu; số đại biểu của các tỉnh miền Nam lưu nhiệm là 91 đại biểu; có 15,4% số đại biểu là người dân tộc thiểu số; 82,3% số đại biểu là đảng viên và 13,5% số đại biểu là nữ.
Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 21 thành viên chính thức và 5 thành viên dự khuyết, do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch. Quốc hội thành lập 2 Ủy ban của Quốc hội gồm: Ủy ban Dự án pháp luật và Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa II đã thông qua 6 luật, 9 pháp lệnh và phê chuẩn 4 hiệp định, hiệp ước quốc tế.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định khóa II có 10 đại biểu.
(Còn nữa)