Nâng cao hiệu quả phát triển quỹ đất ở: Cách làm sáng tạo, linh hoạt của Tuy Phước
Những năm qua, huyện Tuy Phước không giao đất cho các DN mà tự thi công hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng phát triển quỹ đất rồi đưa vào đấu giá. Huyện lập quy hoạch, dự án trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu thị trường để đấu giá 355 lô đất, qua đó góp phần tạo nguồn thu trên 413 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.
KDC thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để đấu giá năm 2021
Theo số liệu tổng hợp của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện (BQL), năm 2020, khoản thu từ tiền bán đấu giá quyền sử dụng 355 lô đất trên địa bàn huyện được hơn 413 tỷ đồng, đạt 137,7% kế hoạch, vượt chỉ tiêu HĐND huyện đề ra là ban đầu là 260 tỷ và điều chỉnh sau đó 360 tỷ đồng.
Cùng với công tác phát triển quỹ đất, để đảm bảo hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) được triển khai một cách minh bạch, có hiệu quả, trước mỗi đợt đấu giá, huyện phối hợp với các công ty đấu giá tính phương án đấu giá để tránh việc bị các cá nhân môi giới, đầu cơ đất đai (thường được gọi là “cò đất”) chi phối. Nhờ đó, đến nay theo đánh giá chung, việc đấu giá QSDĐ ở huyện Tuy Phước đạt nhiều kết quả tích cực so với mặt bằng chung cả tỉnh .
Trong 2 tháng - 12.2019 và 1.2020 - giá đấu các lô đất ở TT Tuy Phước, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Nghĩa tăng trên 40% so với giá khởi điểm. Sau đó, dù ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường bất động sản trầm lắng nhưng BQL vẫn xin chủ trương linh hoạt điều chỉnh giá khởi điểm ở một số địa phương. Từ ngày 1.4.2020, huyện điều chỉnh tăng 10 - 20% giá ở một số vị trí đất đắc địa, thu hút nhiều người tham gia đấu giá. Ví dụ như khu dân cư (KDC) Gò Bồi, xã Phước Hòa giá khởi điểm 13 triệu đồng/m2 nhưng giá đấu trúng lên đến 22 triệu đồng/m2. Vì thế những gói đấu sau đó tại khu vực này, BQL xin điều chỉnh giá khởi điểm lên 18 triệu đồng/m2. Hoặc như tại KDC chợ Phước Sơn giá khởi điểm được nhận định là cao – 7 triệu đồng/m2nhưng giá đấu trúng lại lên mức 8 triệu đồng/m2. BQL đã nhanh chóng xin điều chỉnh giá khởi điểm lên 8 triệu đồng/m2 ở những lần sau. Kết quả: 120/201 lô đấu trúng, thu về ngân sách xã 140 tỷ đồng.
Cách làm của huyện Tuy Phước áp sát thực tế và linh hoạt ở chỗ tại những địa phương gặp khó khăn, để đảm bảo các phiên đấu thành công, huyện cho giảm mức 10% giá đất. Năm 2020, UBND xã Phước Thắng cho đấu giá QSDĐ với mức khởi điểm rất thấp chỉ 1 - 1,5 triệu đồng/m2. Ông Lê Huỳnh Minh Chánh, Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện cho biết: “Giá đất ở huyện Tuy Phước được thiết kế bám sát mặt bằng thị trường, đảm bảo tránh gây thất thoát cho ngân sách. Tuy nhiên, một số vị trí KDC khó thu hút người dân đấu giá đất, BQL tham mưu xin điều chỉnh một số quy định tháo gỡ khó khăn cho UBND các địa phương như: Hạ giá khởi điểm ở mức nhiều nhất 10%; thay đổi quy định “giá đấu trúng bằng giá khởi điểm cộng ít nhất 1 bước giá - 10% - sang “giá đấu trúng được công nhận ít nhất bằng giá khởi điểm”; tăng số lượng tổ chức đấu giá, đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng thật tốt, tạo sự hấp dẫn với người có nhu cầu…”.
Các dự án tạo lập quỹ đất được xây dựng đều dựa trên định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Khi các tuyến đường QL 19 mới, tuyến đường phía Tây tỉnh hoàn thành dẫn đến nhu cầu đất ở, đất thương mại phát triển mạnh ở Tuy Phước. Quý I/2021, UBND huyện phê duyệt hàng loạt quyết định phương án đấu giá năm 2021 tại khu đường vành đai phía Đông Bắc TT Tuy Phước, khu chợ Diêu Trì mới, khu trước nhà máy xi măng Diêu Trì, KDC xã Phước Sơn, KDC xã Phước Nghĩa và Phước Hiệp… với mức giá cao nhất lên đến 21 triệu đồng/m2. Giá cao vậy nhưng vẫn được các chuyên gia địa ốc đánh giá là khả thi.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: “Thời gian tới, huyện chỉ đạo các phòng, ban nâng cao hiệu quả công tác phát triển quỹ đất; tham mưu phương án bố trí kinh phí phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất hợp lý; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất. Các địa phương, đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện có hiệu quả; xây dựng phương án cụ thể, giao chỉ tiêu phấn đấu số thu tiền sử dụng đất đối với từng địa phương để bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra và có thêm những nguồn lực tài chính quan trọng để sớm hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới.
Bài, ảnh: HẢI YẾN