Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới nhưng tinh vi, đa dạng khi sử dụng một lúc nhiều phương thức để đánh vào sự cả tin, hám lợi của bị hại để lừa đảo.
Nhiều chiêu thức
Chiêu thức không mới nhưng lại là cái bẫy khiến nhiều nạn nhân sa chân, đó là chiếm dụng tài khoản mạng xã hội facebook rồi nhắn tin mượn tiền. Cụ thể, các bị can Nguyễn Quang Đạt và Lê Chí Nhật Tân (cùng SN 1998) và Nguyễn Công Thiệu (SN 1997), cùng ở Quảng Trị, đã hack tài khoản facebook của hơn 300 bị hại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Bình Định với tổng số tiền chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng. Để dễ dàng chiếm đoạt tài khoản facebook của các nạn nhân, Đạt cùng đồng bọn tạo đường link với nội dung là chương trình truyền hình Ẩm thực Việt Nam và Giọng hát Việt nhí, sau đó gửi link cho các tài khoản facebook. Khi người dùng truy cập, nhập mật khẩu, nhóm Đạt lập tức chiếm đoạt tài khoản. Sau đó, chúng nghiên cứu thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện, cách nói chuyện rồi mạo danh mượn tiền. Chị T.T.N.H. (TP Quy Nhơn), một trong những nạn nhân của nhóm Đạt, chia sẻ: “Chỉ đến khi người quen gọi điện thoại hỏi thăm bệnh tình của tôi, hỏi tôi có phải vừa nhắn tin mượn tiền họ hay không thì tôi mới biết facebook của mình đã bị người khác chiếm dụng. Họ nói tôi bị bệnh nặng và soạn cùng một nội dung tin nhắn trên mesenger là cần mượn 7 triệu đồng, chuyển vào tài khoản của bác sĩ để trị bệnh”.
Các đối tượng lừa đảo qua facebook tại cơ quan chức năng. Ảnh: QUÝ HIỀN
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu của tội phạm này là do một số người đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, bất chấp thủ đoạn, kể cả phạm pháp. Ngoài ra, sự cả tin, hám lợi của bị hại cũng chính là mồi ngon để tội phạm này hoạt động. Đơn cử như vụ việc các đối tượng Lê Thị Hồng Quy (SN 1988) cùng một số đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối như đưa thông tin không đúng sự thật về nguồn gốc nhiều lô đất đang kinh doanh, mua bán với giá hợp lý và cam kết thời hạn sang tên chuyển quyền sử dụng đất cũng như giới thiệu người mua để nạn nhân có thể hưởng chênh lệch ngay…, làm cho nhiều người tin tưởng giao tiền đặt cọc mua đất với tổng số tiền trên 38,7 tỷ đồng; tất nhiên bọn chúng không hề thực hiện cam kết và cũng không có lô đất nào. Không chỉ vậy, tội phạm lừa đảo còn thông qua mạng internet xâm nhập địa chỉ email của các công ty, DN đánh cắp thông tin mua bán giữa công ty với đối tác nước ngoài, rồi tạo ra địa chỉ email gần giống email chính và yêu cầu bên mua hàng chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của chúng.
Cảnh giác để giữ tài sản
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng, phương thức và thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh không mới, song nhiều người vẫn “sập bẫy”. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 8 vụ/8 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 vụ/2 bị can lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang: “Tội phạm này không nhiều so với các loại tội phạm khác, song hệ lụy gây ra lại nặng nề bởi số tiền trong từng vụ án thường là lớn và kéo theo nhiều bị hại. Hành vi phổ biến của loại tội phạm này là đánh trúng vào tâm lý hám lợi, tin tưởng của nhiều người từ việc trả lãi suất cao, vay tiền; thông qua hợp đồng kinh doanh, mua bán hoặc dựa trên mối quan hệ quen biết để chiếm đoạt tài sản. Nhìn chung là vậy, song trong từng vụ án, thủ đoạn, phương thức lại khác nhau và cũng khá tinh vi khiến nạn nhân dễ bị sập bẫy”.
Tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến trên 500 triệu đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật quy định khá nghiêm, song để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động chiếm đoạt tài sản, bên cạnh sự chặt chẽ của luật và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì mỗi người dân cần tự nâng cao tinh thần cảnh giác và sự hiểu biết khi tham gia mạng xã hội; nhất là việc cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không tùy tiện kết bạn, cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP, nhấp vào các đường link lạ hoặc chuyển tiền cho bất kỳ người lạ nào. Trước khi thực hiện giao dịch mua bán, nhất là những tài sản lớn như nhà cửa, đất đai hay hợp tác đầu tư, kinh doanh cần tìm hiểu kỹ. “Đặc biệt, người dân cần lưu ý, các cơ quan thực hành pháp luật khi làm việc với công dân đều có văn bản, giấy triệu tập đến trụ sở làm việc, không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội và cũng không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân...”, đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh khuyến cáo.
KIỀU ANH