Ra vùng khơi giữ nghề mành chà
Ngư dân Bình Định thường sử dụng tre, lá dừa thả trên mặt biển để tạo bóng mát thu hút cá, mực đến quần cư, rồi sử dụng lưới vây để đánh bắt - cách đánh bắt thế gọi là nghề mành chà. Trước đây ngư dân hành nghề mành chà chủ yếu ở vùng ven bờ, nhưng theo nhiều chuyên gia nếu chuyển ra vùng khơi hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều.
Vì nhiều lý do nghề mành chà dần mai một, nhưng ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn hiện vẫn còn 7 hộ ngư dân duy trì làm nghề mành chà.
Nghề đòi hỏi sự khéo léo
Ông Lê Văn Nghĩa, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, chủ tàu BĐ 01438-TS, cho biết: “Nghề mành chà từng là nghề thịnh nhất, từ tháng 3 - 9 âm lịch hằng năm ngư dân tập trung làm nghề này. Ngày trước môi trường biển còn giàu, nguồn lợi còn đậm đà, chỉ làm ở dọc gành, các rạn đá ven bờ, chỉ cần đánh bắt vào ban ngày là đủ sở hụi. Giờ nghề biển nghèo lại thiếu lao động, nghề mành chà ít người theo, phải ra vùng lộng mới có cá mực, mà phải chuyển sang đánh bắt ban đêm bằng lưới vây mới hiệu quả”.
Việc thả chà dụ cá kết hợp lưới vây ánh sáng giúp hiệu quả khai thác thủy sản cao hơn nhiều, lại giảm bớt sức lao động tuy vậy nó đòi hỏi ngư dân phải giỏi, khéo léo hơn bình thường. Ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Hải Bắc, chủ tàu BĐ 10938-TS, bộc bạch: “Mành chà làm ban ngày thì lưới được thả tại khu vực chà đã ngâm sẵn dưới biển, mình phải lặn xuống biển theo dõi, khi nào cá ra khỏi bóng mát của chà thì báo hiệu để thu lưới. Nay có máy móc hỗ trợ, chà được làm lớn hơn, số lượng chà thả dày hơn, nhưng chỉ cần 10 lao động - bằng phân nửa so với trước - là làm được. Năm ngoái, mỗi chuyến biển đi một đêm tàu tôi đánh bắt hơn 13 tấn cá nục, chia phần bạn hơn 7 triệu đồng/người”.
Theo ông Bình, nghề mành chà dần mai một do nó đòi hỏi ngư dân phải khéo léo, nắm vững kỹ thuật ở nhiều khâu từ bó cội chà, bện lá chà, làm đá cố định chà đến đoán biết con nước theo mùa để thiết kế, di chuyển đặt lại chà… Nhưng nguồn lợi thủy sản ven bờ, vùng lộng dần suy giảm, tàu thuyền làm nghề biển cũng giảm theo, nghề mành chà ít dần và những người còn lại bắt đầu hướng ra vùng khơi.
Nghề mành chà ở vùng khơi
Tháng 10.2020, ngư dân Trần Ngọc Hoan, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn), chủ 5 tàu đánh bắt xa bờ, là người đầu tiên trong tỉnh thả chà đánh cá tại vùng khơi với 8 cây chà tại khu vực đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) và các vùng rạn dọc ngư trường phía Nam quần đảo Trường Sa, hiệu quả khai thác tăng rõ rệt. Vừa cùng bạn tàu chuyển vật liệu lên 2 tàu cá đang cập cảng cá Quy Nhơn, để chuẩn bị ra Trường Sa đặt thêm 3 cây chà, anh Hoan vừa kể: “Tôi đầu tư gần 2 tỷ đồng làm 11 cây chà, đó là chưa tính chi phí vận chuyển chà ra đến điểm đặt chà. Ngoài 5 tàu cá của gia đình, tôi huy động thêm nhiều tàu của anh em họ hàng để cùng làm mành chà vùng khơi. Tại vị trí đặt mỗi cây chà sẽ có một tàu với 3 - 4 lao động neo đó túc trực giữ chà, chong điện dụ cá, còn các tàu khác giữ nhiệm việc khai thác. Thả chà ở vùng khơi cá mực quần cư nhiều hơn trong vùng ven bờ, vùng lộng rất nhiều; trung bình mỗi mùa trăng các tàu của tôi đánh bắt từ 50 -70 tấn cá sọc dưa. Thu nhập mỗi bạn tàu giữ chà lên tới 10 triệu đồng/người/ chuyến biển, còn bạn tàu đánh bắt bình quân từ 15 - 17 triệu đồng/người/chuyến”.
Nghề mành chà nếu được ứng dụng tại vùng khơi sẽ thu hút các loài thủy sản di cư tại vùng biên tập trung một chỗ, ngư dân đánh bắt đạt hiệu quả hơn, thay vì đưa tàu đi dò tìm luồng cá; đặc biệt góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài”.
TS TRẦN VĂN VINH, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản
Với tư duy vượt trội, ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), ông chủ của đội tàu đánh bắt xa bờ 12 chiếc, đã lên ý tưởng và nhờ TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) nghiên cứu, xây dựng phương pháp - kỹ thuật thả chà tại vùng khơi ứng dụng KHKT tiên tiến với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại. Ông Ninh “bật mí”: “Tôi tin chắc thả chà tại vùng khơi với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ thì hiệu quả đánh bắt sẽ vượt trội và đặc biệt là thân thiện với môi trường, giữ cho nghề cá của mình bền vững! ”.
TS Trần Văn Vinh phân tích: Chà thả ở vùng ven bờ, vùng lộng chỉ thu hút đàn cá thuộc tầng nổi, còn ở vùng khơi sẽ thu hút thêm tầng giữa. Thời tiết biển vùng khơi khắc nghiệt hơn, nên phải tính toán thiết kế lại sao cho phù hợp, sử dụng vật liệu có tính chịu lực cao, vừa đảm bảo hiệu quả vừa bảo vệ môi trường biển. Hơn nữa, thả chà ở vùng khơi ngoài việc có tàu túc trực canh giữ cụm chà, mình còn phải lắp ra đa, hệ thống định vị, phao tiêu, đèn hàng hải… để bảo đảm hoạt động an toàn”.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN