Cho nhau
* Truyện ngắn của LÊ KIM YẾN
Đến nơi, trời đã tối. Ngồi trong chiếc xe hơi kín mít cả buổi, vừa đẩy cửa xe bước ra, cả một suối thanh âm dịu dàng bao bọc lấy tôi. Mê mẩn luôn. Tiếng gió khua nhẹ trên cỏ rối, tiếng đàn chó nghe hơi khách lạ khịt khịt chạy ra, mùi đất bao la bạt ngàn mới vừa dứt cơn nắng chiều, hăng hắc, dìu dặt. Là tôi theo chân chị bạn vào thăm Nông trại Hồ Vàng.
***
Chủ trang trại tên Vàng. Tên như người, chắc, thật và quý. Tôi biết Vàng qua lời kể của chị bạn. Lâu rồi. Còn Vàng, cậu ta biết tôi qua câu giới thiệu của chị: Đây là Yến, bạn chị! Trời tối. Theo ánh đèn vàng hắt nhẹ từ căn nhà tiền chế, tôi len lỏi theo bụi cỏ ra vườn nho phía trước, đọc nét chữ chăm chút trên bảng tên khu vườn - “Có Nhau”. Âm thanh. Mùi hương. Ánh sáng.Và cả những ký tự tất cả đều là lạ, thú thú như ôm chầm lấy tôi thân thiện.
Bọn tôi rủ nhau cùng làm bếp cho nhanh. Chị thân với Vàng nên việc chế biến, sắp đặt các món ăn như từng ở trong nhà, nhanh và vừa mắt. Ngồi vào bàn, sau màn giới thiệu nhanh mà chi tiết về nhau, mọi người nhập cuộc rôm rả. Khi người ta chân thành thì khoảng cách sẽ được xóa nhanh, tôi với Vàng chẳng mấy chốc đã bắt nhịp chuyện nông nghiệp sạch. Vàng bưng ra 2 rổ nho đãi khách, trong rổ đầy nho xanh, đỏ, tím. Vàng vừa ngắt từng trái nho mời tôi, vừa thuyết minh từng giống mà anh trồng được trên nông trại của mình. Nghe Vàng kể không cần nhạy cảm cũng thấy nhiệt huyết và khát vọng với việc mà anh đeo đuổi. Nho vốn là giống nếu muốn đảm bảo sản lượng phải dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Nhưng Vàng không làm vậy, bạn có thể ra vườn nho, ngửa cổ cắn ngay bất cứ chùm nho nào. Tất cả đều lành trên mọi thời điểm sinh trưởng. Vì điều này mà nho Hồ Vàng không đủ cung cho thị trường trong nước.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Mang thêm một chai rượu nho, Vàng bảo loại nho này Vàng đang nghiên cứu ủ và cực tốt cho sức khỏe bởi nó còn giữ một loại enzym rất đặc biệt. Ánh trăng hắt xuôi cả khu vườn. Tôi nhìn rõ hơn vườn nho của Vàng, dường như vườn nho đang trải theo ánh trăng, khoảng tối của đêm khiến khu vườn thêm hư ảo. Thấy tôi đắm đuối duỗi mắt mông lung, Vàng ân cần, rượu này ngọt đằm nên chị sẽ say lúc nào mà không biết đấy. Để tôi thêm đá vào, loãng ra, lại lành sẽ dễ uống hơn. Nhưng tôi ra hiệu không cần, tôi thích nhấm nháp nguyên vị - vị chát, vị ngọt, vị hăng của nho và vị ấm áp từ Vàng. Gió đuổi nhau trên tàn lá lào xào, gió chùng xuống hiu hiu trên bờ vai tôi. Chừng như thấy tôi lâng lâng, Vàng nhắc chừng, có mấy cái võng sau lưng kìa chị ngả lưng tí đi cho dễ chịu. Ừ! Tôi nhớ tôi chỉ ừ thế thôi rồi trong làn hương dịu dàng của đêm tôi phiêu phiêu trôi êm vào giấc ngủ.
Tiếng cười sảng khoái của nhóm bạn làm tôi giật mình, bật điện thoại xem giờ. Ơ! Mình đã ngủ sâu tới hơn một giờ. Thấy tôi tỉnh, Vàng quay sang hỏi: Đỡ mệt chưa chị? Tôi cười: Giờ thì có thể uống hết một vại rượu. Cả nhóm bất cười hinh híc rồi rủ nhau dọn dẹp bàn ăn, theo chân Vàng về khu nghỉ của nông trại. Dãy nhà dài lờ mờ hiện ra dưới bóng trăng. Vàng lấy mùng mền cho chúng tôi kèm lời dặn trìu mến, mắc sẵn lát muốn ngủ lúc nào thì vào ngủ ngay để khỏi qua cơn buồn ngủ, lại mất giấc vì lạ chỗ. Trong lúc chúng tôi trải chiếu, mắc màn, Vàng gom ít củi khô đốt thành đống lửa ngoài sân.
Ngay trước cửa phòng, ập vào mắt tôi là những ngọn lửa nhỏ nhảy múa, trôi xa tầm mắt là miên man nông trại, trên cao là ánh trăng dịu vợi, không biết đã bao lâu rồi tôi mới được tận hưởng một sự bảo bọc ngọt ngào như thế. Bắt nhịp lại với giấc ngủ sau một giấc ngắn nhưng đủ sâu hình như là khó. Tôi thừ người. Chính tôi đã tự làm tổn thương mình, chính tôi đã tự cứa vào tim mình những vết thương và cũng chính tôi, đeo vào não mình những tảng đá của những giằng buộc và tự trói chân mình bởi những khuôn phép xa xưa. Chẳng phải từ chiều đến giờ không cần một cố gắng nào tôi đã để lại mọi muộn phiền ở phố rồi đấy sao? Hít một hơi sâu, tôi rời thềm nhà, lặng lẽ đi mà như chuồi luôn vào chiếc chiếu tre ngoại cỡ Vàng trải sẵn ngoài sân. Hít một hơi sâu đến căng tức ngực rồi thả lỏng từ từ cơ thể, tôi nghe tiếng nổ tí tách của ngọn lửa, tiếng tắc kè nhịp từng hồi ngoài xa vọng lại, nghe hơi gió vờn vờn qua má mướt mướt. Tôi nghe tim mình nhịp thì thầm.
Hé nhẹ nhẹ mắt qua lớp vải mùng tuyn, từng sợi nắng len qua cửa sổ phòng. Sáng rồi nhỉ. Hít một hơi sâu, xỏ chân vào đôi dép nhựa, tôi bước ra sân. Con chó boss đen khịt khịt chạy theo liếm liếm chân tôi. Xuỵt xuỵt và xoa xoa đầu nó để nó không phát ra tiếng động lớn sẽ phá giấc của những người còn lại. Tôi dẫn nó ra hẳn ruộng cỏ phía trước. Mặt trời góc chếch nông trại xé thẳng vào gương mặt còn ngái ngủ, tôi giơ tay che bớt ánh sáng, nheo nheo một lúc mới mở mắt ra được. Tôi tự biến mình thành người nông dân trên đồng cỏ, bước chân trần ướt đẫm sương, vài cọng cỏ bén cứa vào chân hơi đau nhưng lại có cảm giác rất khó tả. Con chó vẫn chạy theo chân. Lại hít một hơi thật sâu, tôi vươn vai làm vài động tác kéo giãn cơ người. Không khí ở đây mát rượi mịn màng. Trong thoáng chốc, tôi biết mình sẽ khó có dịp có lại sự yên bình kiểu này nên lang thang một lúc trong đồng cỏ, mãi đến khi nghe tiếng gọi của Vàng mới tìm lối trở lại.
Quay lại khu ăn uống tối qua, trên bàn đã có sẵn những gói lá chuối bọc xôi nóng. Tôi nghe mùi đậu phụng, nếp và mùi lá chuối. Trời sáng, tôi nhìn rõ mặt Vàng hơn. Trên đó chứa một chút suy tư, một chút nhẹ nhàng, một chút từ tâm, một chút cương trực. Tôi nhìn thấy Vàng là người đơn giản, cái đơn giản của những người không chú trọng tiểu tiết, không chú trọng kiểu cách, đơn giản hướng đến mục tiêu trọn vẹn của đời mình. Trong quyển sách của một vị thiền sư, ông đã hướng dẫn tôi cách phân biệt giữa người đơn giản và người giản dị. Đơn giản là cách sống ít tiểu tiết nhưng chọn lựa tinh tế và sống chất lượng. Giản dị là cách sống cái gì cũng được, sao cũng được và ít có ước mơ cho riêng mình.
Cũng nhờ trời sáng, tôi nhìn rõ các vườn nho, thanh long, táo của Vàng. Trên giàn lá nho xanh mướt, dưới giàn là ruộng rau muống và đám cỏ xuyến chi cũng xanh không kém phần. Những chấm trắng tối qua tôi nhìn thấy dưới ánh trăng một phần là cánh của loại hoa này. Ở mỗi vườn, Vàng đều đặt cho nó những cái tên như: Niềm tin, Biết ơn, Thiện hữu,… Cậu em tiến sĩ nông nghiệp đi cùng giảng cho tôi nhiều lắm, tôi nhớ có đoạn đây là vườn nho sạch, không có thuốc nhiều nên cỏ mọc rất tốt. À, thì ra là vậy!
Vàng mở gói xôi ra cho tôi, hơi nóng lá chuối xông thẳng vào mũi. Vàng cười nói, ăn xôi chỉ có bốc tay mới ngon. Tôi định ghẹo Vàng vài câu cho đúng tính bông lơn của mình nhưng nhìn nét mặt anh, tôi im bặt và ngoan ngoãn bốc xôi ăn. Gió từ vườn thổi vào, cái chuông gió khua từng tiếng leng keng, không gian như đang ở chốn thiền nào đó, người lạ vào vườn có muốn cũng không dám mang theo những ý nghĩ sân si vào.
Chúng tôi tạm biệt Vàng, không quên kèm theo câu chào thường lệ, hẹn gặp lại. Đầu óc trong veo, thanh thản nhờ không khí lành sạch của nông trại gột rửa, mắt ai cũng lấp lánh. Tạm biệt Vàng! Tạm biệt Nông trại Hồ Vàng! Trừ tôi. Chỉ có tôi chừng như bịn rịn, ánh mắt văng vắng xa nuối tiếc mơ hồ, có gì đó chừng như đánh rơi, có chi đó mơ hồ chưa kịp nhặt.
Chưa xa sao đã kịp nhớ gì đâu!