Sẽ xử lý hiện tượng “thần y” trên mạng xã hội
Ngày 30.3, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thông tin báo nêu liên quan đến hiện tượng “thần y” trên mạng xã hội. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Thời gian qua, hiện tượng tự xưng “lương y”, “thần y” chữa bách bệnh tràn lan trên mạng xã hội, quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, giới thiệu thực hiện hoạt động khám chữa bệnh không phép. Đã có nhiều bệnh nhân phải nhập viện khi dùng thuốc nam quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân (63 tuổi, có tiền sử bệnh đái tháo đường 20 năm) trong tình trạng nguy kịch, kích thích, vật vã, tụt huyết áp. Kết quả thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị suy thận, suy đa tạng... Theo các bác sĩ, chỉ nhập viện chậm 5 phút là bệnh nhân này có thể tử vong.
Người nhà cho biết, gần đây, ông đã mua qua mạng 1 túi thuốc viên tròn và 1 túi thuốc bột không nhãn mác về uống. Các bác sĩ đã gửi mẫu thuốc gia đình cung cấp đến Viện Pháp y quốc gia để phân tích thành phần. Kết quả, thuốc viên có thành phần phenformin, thuốc bột là paracetamol có tác dụng giảm đau.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Nam (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), phenformin là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Chất này giúp hạ đường huyết nhanh và có rất nhiều tác dụng phụ. Ngộ độc phenformin gây tỷ lệ tử vong lên tới 60%.
Tương tự, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã tiếp nhận liên tiếp nhiều bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường đã tự ý mua thuốc nam qua mạng về uống. Sau một thời gian, những trường hợp này đã phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, đường huyết tăng cao...
Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học. Theo quy định, các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi cấp tỉnh. Các bài thuốc này chỉ được lưu hành toàn quốc khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y dược cổ truyền cấp phép.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, thuốc y học cổ truyền, nhất là thuốc gia truyền chưa đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, lại dễ dàng xuất hiện trên mạng với những lời quảng cáo “có cánh” như: Điều trị tận gốc, an toàn, cam kết chữa khỏi 100%... Để hạn chế tình trạng thuốc đông y quảng cáo tràn lan, Bộ Y tế cho biết, sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; với người đã được cấp phép, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai sót thì cơ sở quản lý ở địa phương chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, sắp tới Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chất lượng dược liệu. Cùng với đó là các biện pháp tăng cường thanh kiểm tra lĩnh vực y dược cổ truyền tư nhân, đảm bảo thuốc đông y phải phát triển dựa trên khoa học, bằng chứng.
B.N