Ảnh hưởng do dịch Covid-19, doanh nghiệp mong sự hỗ trợ trực tiếp
Mặc dù tình hình dịch Covid -19 đang được kiểm soát tại Việt Nam, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và không thể sớm kết thúc trong thời gian tới.
Do đó, để vực dậy các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng, cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp cận.
Dịch Covid 19 vẫn đang gây ra những tác động tiêu cực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với trên 10.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực" từ dịch. Ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ…
Trước những khó khăn này, nhiều gói hỗ trợ của Nhà nước đã kịp thời và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mặc dù nhiều gói hỗ trợ được bung ra nhưng từ phía khối tư nhân lại đang tiếp cận được rất ít thông tin, cùng với đó là thủ tục rườm rà, phức tạp đang khiến doanh nghiệp “e ngại”.
Ông Hoàng Anh Hào, Chủ tịch hội đồng quản trị, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Yên Phát kiến nghị, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ một cách trực tiếp, nhanh chóng từ Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ trực tiếp để tiếp tục phát triển.
"Tôi mong Nhà nước giải quyết luôn vào những nhu cầu thực tế để có hiệu quả ngay, nhưng vẫn kiểm soát được bằng những cách hỗ trợ người lao động trực tiếp, giảm thuế VAT, hay là giãn nợ, hoãn nợ… Còn cách mà chúng ta làm hồ sơ để đủ điều kiện được hỗ trợ thì khéo làm xong hồ sơ, thủ tục xin được tiền thì quay lại doanh nghiệp mình đã “đi tong” rồi" - ông Hào chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đây sẽ là những hỗ trợ quan trọng cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid -19.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng trong bối cảnh đại dịch khó khăn này, nhóm giải pháp cắt giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính đẩy mạnh mẽ hơn nữa là một điều rất là quan trọng. Có thể thấy rằng là đề ra chính sách là một chuyện, nhưng thực thi chính sách lại có tác động rất lớn.
"Cần phải có những chương trình để thúc đẩy thực thi, như cung cấp thông tin hướng dẫn đầy đủ, tiếp cận một cách thân thiện đối doanh nghiệp, quy mô có thể nhỏ và siêu nhỏ; đối với những doanh nghiệp mà sử dụng người lao động thì cần phải có những hỗ trợ cho họ" - ông Tuấn nêu ý kiến.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)