Công tác bảo vệ động vật biển quý hiếm: Tín hiệu tích cực từ hiện tượng giải cứu rùa
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền bảo vệ động vật biển quý hiếm bằng nhiều hình thức, như: Tập huấn, hội thi, hội diễn văn nghệ… đã nâng cao nhận thức người dân bảo vệ động vật biển quý hiếm. Nhờ được truyền thông tốt, nhiều người khi phát hiện rùa biển quý hiếm đã tự mua, giải cứu rùa để giao nộp cho ngành Thủy sản thả về biển. Tương tự, nhiều ngư dân khi ra khơi đánh bắt hải sản, phát hiện rùa biển mắc vào lưới cũng sớm giải cứu, thả rùa về biển.
Anh Đặng Văn Hòa, ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, giải cứu đồi mồi mắc lưới và thả về biển. Ảnh: VĂN HÒA
Anh Đặng Văn Hòa, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) kể: Tôi được biết một con rùa mẹ đẻ ra cả trăm trứng, nhưng chỉ có khoảng 80% trứng nở thành con, khi rùa con bơi về biển chỉ có 3 - 4% con sống sót đến khi trưởng thành vì làm mồi cho các loài cá lớn, chúng cần được bảo vệ. Đầu tháng 2.2021, tôi giải cứu một con đồi mồi nặng khoảng 25 kg mắc vào lưới của mình. Trước đó tháng 6.2020, trong quá trình thả lưới đánh cá tại vùng biển ven bờ ở địa phương, phát hiện một con vích nặng hơn 60 kg mắc lưới, tôi cũng mang thả lại biển. Đến nay thì không riêng gì tôi, mà hầu hết ngư dân ở đây ai đi biển phát hiện các loài động vật biển quý hiếm đều thả trở lại biển, bởi bà con đã được chính quyền và cơ quan chức năng hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết rất chi tiết.
Mới đây, vào đêm 23.2, ông Phan Đình Lin, ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) trong quá trình kéo lưới rớ trên đầm Đề Gi cũng phát hiện một con vích nặng khoảng 120 kg bị mắc vào lưới, ông Lin đã tự nguyện giao nộp rùa biển để ngành chức năng thả về biển. Có thể xem đây là những tín hiệu vui, kết quả của nhiều năm tháng tích cực truyền thông sâu rộng trong cộng đồng về bảo vệ động vật biển quý hiếm.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Bình chia sẻ thêm: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con vùng ven biển về dấu hiệu nhận biết các loài động vật biển quý hiếm nằm trong nhóm đang bị đe dọa theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), thuộc phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Việc bà con chủ động hợp tác với cơ quan chức năng bảo vệ là dấu hiệu rất tích cực. Cùng với việc tuyên truyền, ngành Thủy sản tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp đánh bắt, buôn bán động vật biển quý hiếm. Những người dân tự nguyện giao nộp rùa biển, Chi cục đã đề nghị Sở NN&PTNT kịp thời khen thưởng để khích lệ tinh thần, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ các loài động vật biển quý hiếm, bảo tồn hệ sinh thái biển của tỉnh.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN