Tây Sơn: Phát triển mạnh phong trào tập luyện võ cổ truyền
Huyện Tây Sơn hiện có khoảng 50 võ đường, phòng tập, tập trung chủ yếu ở phía Bắc sông Côn (gồm các xã Bình Thuận, Tây Vinh, Bình Thành) với khoảng 5.000 võ sinh tham gia tập luyện. Trong những năm qua, chính quyền địa phương và ngành VH-TT-TT đã chú trọng việc duy trì hoạt động của các võ đường, phòng tập trong huyện.
Từ sau đại hội võ thuật cổ truyền huyện, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn đã hướng dẫn Hội Võ thuật cổ truyền huyện củng cố bộ máy tổ chức, tổ chức các hoạt động thi đấu, giao lưu võ thuật cổ truyền mỗi năm từ 2-3 lần. Qua đó, kiểm tra tình hình tập luyện, nắm bắt số lượng võ sinh, võ sĩ của các võ đường, phòng tập và chất lượng luyện tập của từng võ đường. Trong dịp hè 2013, Trung tâm VH-TT-TT huyện và Hội Võ thuật đã thành lập đoàn khảo sát, đến từng võ đường, phòng tập để nắm tình hình hoạt động, chất lượng giảng dạy, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác luyện tập. Trên cơ sở đó, có những góp ý bổ sung và hướng dẫn về chuyên môn. Trong các cuộc họp định kỳ hay đột xuất, Hội đều đánh giá tình hình hoạt động, nghe phản ánh những thuận lợi khó khăn của các võ đường, phòng tập để tham mưu với Trung tâm tìm cách tháo gỡ, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn. Như trong năm 2013, Trung tâm đã tổ chức các đợt tập huấn chuyên môn cho các huấn luyện viên trẻ về phương pháp huấn luyện, phương pháp và công tác giám định trọng tài, qua đó bổ sung kịp thời đội ngũ giám định trọng tài trẻ tham gia điều hành các trận đấu trong năm ở địa phương.
Để duy trì tốt phong trào tập luyện võ cổ truyền, hàng năm cứ vào dịp mừng Đảng mừng Xuân và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Trung tâm VH-TT-TT huyện phối hợp với Hội tổ chức Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh, thu hút rất nhiều võ đường, phòng tập trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo không khí sôi nổi trên quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện, cho biết trong vài năm gần đây, phong trào tập luyện võ cổ truyền trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, nhất là vào các dịp hè các võ đường, phòng tập có số lượng võ sinh khá đông, chủ yếu là các em học sinh. Đông nhất là Võ đường Hồ Sừng ở Bình Thuận có trên 250 võ sinh; Võ đường Phan Thọ 150 võ sinh, Võ đường Phan Đức ở Bình Nghi khoảng 100 võ sinh. Năm 2013, Võ đường Lê Bá Hòa đã chuyển địa điểm tập luyện về tại khu du lịch tâm linh Đàn tế Trời Đất (tại núi Ấn, thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường), nhằm góp phần bảo tồn, phát triển và quảng bá võ cổ truyền.
Ngoài ra, vào dịp hè, huấn luyện viên Hồ Sỹ đã phối hợp với Trung tâm VH-TT-TT huyện tổ chức nhiều lớp năng khiếu võ cổ truyền cho học sinh tại Nhà tập luyện và thi đấu thể thao huyện (khoảng 100 võ sinh) và tại Bảo tàng Quang Trung (khoảng 200 võ sinh). Hiện nay, số học sinh tham gia tập luyện võ cổ truyền ngày càng đông. Để duy trì và phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền trong học sinh, Trường THCS Bùi Thị Xuân đã phối hợp với Hội Võ thuật cổ truyền Tây Sơn tổ chức tập luyện cho học sinh của trường và thành lập đội nữ võ sinh, duy trì tập luyện để biểu diễn tại trường và địa phương khi có các hoạt động lớn hay lễ, tết. Ông Nguyễn Văn Tấn cho biết thêm: Sắp tới, Trung tâm cùng với Hội Võ thuật tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát triển mạnh các làng võ trên địa bàn huyện, trong đó có làng võ cổ truyền An Vinh (Tây Vinh) và mở rộng Võ đường Hồ Văn Vương (xã Tây Thuận). Duy trì tập luyện môn boxing tại các võ đường, phòng tập của Võ Tuấn Khanh (thị trấn Phú Phong), Nguyễn Văn Thể (Bình Tường).
Năm 2013, tham gia giải boxing của tỉnh, huyện Tây Sơn đã đạt 2 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ. Riêng môn võ cổ truyền tại Đại hội TDTT cấp tỉnh, huyện Tây Sơn đạt giải Nhất với 7 HCV và 4 HCĐ. Hiện nay, các võ đường, phòng tập trong huyện đang tập trung tập luyện để chuẩn bị tham gia Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh trong 3 ngày (mùng 4, 5 và 6 Tết), tại sân vận động huyện Tây Sơn.
NGỌC HÀ