5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ TRẺ EM:
Hiệu quả từ hoạt động truyền thông về quyền trẻ em
Trong thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, truyền thông pháp luật được xác định là hoạt động chính để nâng cao nhận thức. Chính vì vậy, các sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương đã tăng cường phổ biến pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, mang lại hiệu quả tích cực.
Từ khi triển khai Chương trình (năm 2016) đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức biên soạn và phát hành 900 quyển sách về Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật trẻ em; 25.000 tờ rơi về nhận biết các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, cách phòng tránh; 29.450 tờ rơi, sách về các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; nhân bản gần 1.000 quyển sách về quyền tham gia của trẻ em cấp phát cho trẻ em, các CLB trẻ em, các trường học, người làm công tác trẻ em; tổ chức truyền thông trực tiếp tại 190 điểm trường học và cộng đồng về Luật Trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em, về các kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em...
Một hoạt động nổi bật đáng kể đến là Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh được duy trì tổ chức hằng năm (Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức), với sự tham dự của trẻ em đại diện ở khắp các địa phương, trường học trong tỉnh. Diễn đàn trẻ em là dịp các em được tham gia ý kiến, chia sẻ tâm tư, bày tỏ quan điểm, đề xuất kiến nghị chính đáng của mình với lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay.
Các sở, ngành, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý cũng tổ chức khá nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em.
Nhận xét về tác động của các hoạt động truyền thông pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó ban Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh, cho rằng: Các hoạt động truyền thông đã góp phần rõ rệt chuyển đổi hành vi, nhận thức của các cấp, ngành, người làm công tác trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ. “Cụ thể là các cấp, ngành đã có sự quan tâm, đầu tư hơn về các nguồn lực cần thiết cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Những người làm công tác trẻ em được cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kịp thời nắm bắt các chính sách liên quan đến trẻ em. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ quan tâm đến trẻ nhiều hơn, không chỉ chăm sóc trẻ đầy đủ về mặt vật chất mà còn tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động tinh thần, chú trọng cho học kỹ năng...”, ông Hùng phân tích và nhấn mạnh.
NHÃ QUYÊN