Những chiếc rìu đá Truông Xe
Truông Xe (thôn 4, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) là dãy cồn cát khá dài chạy dọc theo mép đầm Trà Ổ, một địa điểm cư trú của cư dân Sa Huỳnh cổ trên đất Bình Định.
Năm 2011, Bảo tàng tỉnh phối hợp với khoa Khảo cổ học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiến hành khai quật tại Truông Xe, thu về hiện vật khá phong phú, đặc biệt còn phát hiện được những chiếc rìu đá (ảnh) được chế tác công phu thời đó. Cư dân Sa Huỳnh cổ nơi đây đã biết chọn lọc những viên đá basalte màu xám, trắng có đặc tính vừa cứng vừa bền, để mài chủ yếu ở phần lưỡi, mài hai mặt, tạo cho cạnh lưỡi mỏng, sắc; một số ít còn mài cả phần thân rìu nhẵn mịn. Đây là những đặc trưng của công cụ đá của thời kỳ có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 - 3.000 năm.
Những công cụ rìu đá có những biến thể khác nhau (rìu tứ giác, rìu vai xuôi…) với kích thước khá nhỏ nên theo nhận định của các nhà khảo cổ học thì công năng chủ yếu dùng để chặt những cây thân gỗ nhỏ, đập vỡ lớp vỏ cứng của một số loài nhuyễn thể… Bảo tàng tỉnh đang gìn giữ những rìu đá này để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.
NGUYỄN VIẾT TUẤN