Nâng cả lượng và chất sản phẩm OCOP
Tiếp tục triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương đã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, có lợi thế tiềm năng, đồng thời cụ thể hóa cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát huy giá trị sản phẩm theo hướng bền vững.
Không chỉ vậy, nhiều chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP cũng chủ động phát huy giá trị sản phẩm, tăng cường giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Gà giống 1 ngày tuổi của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh là sản phẩm OCOP duy nhất ở huyện Phù Cát được xếp hạng 5 sao.
Chưa hài lòng với lượng sản phẩm OCCOP gà giống 1 ngày tiêu thụ nội địa và xuất khẩu 30 triệu con/năm, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) năm 2021 tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao cả lượng và chất sản phẩm gà giống. Ông Nguyễn Cao Khanh, Giám đốc Công ty, cho hay: Hiện chúng tôi đang xúc tiến dự án xây dựng trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gà ta Cao Khanh công nghệ cao tại xã Cát Tân, phấn đấu cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 50 triệu con/năm, với các dòng gà giống CK1, CK2, CK3 1 ngày tuổi và kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia. Ngoài ra, công ty liên kết với một DN ở TP Hồ Chí Minh thuê đất tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn để xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia cầm, cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhiều DN và ngư dân TX Hoài Nhơn đã nỗ lực phát huy giá trị sản phẩm OCOP cá ngừ đại dương Bình Định. Trong đó, nổi bật là Công ty TNHH Tân Xuân Lộc và Công ty TNHH Hải Nguyên (cùng ở phường Tam Quan Bắc), đã đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế cá ngừ đại dương tại Cảng cá Tam Quan, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cho ngư dân vay tiền đóng tàu, sắm tổn không tính lãi và thu mua toàn bộ sản phẩm cá ngừ đại dương với giá cao. Đổi lại, ngư dân phải đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, bảo quản sản phẩm theo quy trình đã được các chuyên gia Nhật Bản và ngành Nông nghiệp tỉnh hướng dẫn.
Bà Vũ Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Tân Xuân Lộc, chia sẻ: “Công ty đã hỗ trợ vốn cho hơn 200 ngư dân đóng tàu, đồng thời mỗi chuyến biển đều cho ngư dân ứng vốn trước để sắm tổn và trả tiền công cho thuyền viên. Đều đặn mỗi tháng, Công ty thu mua 100 - 120 tấn cá ngừ đại dương chất lượng cao của ngư dân để cung ứng cho khách hàng trong nước. Giá trị sản phẩm tăng đồng nghĩa với thu nhập của Công ty và ngư dân tăng, lợi ích hài hòa. Đó là yếu tố căn bản tạo nên mối liên kết bền chặt giữa chúng tôi và ngư dân”.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, chương trình OCOP Bình Định giai đoạn 2018 - 2020 đã thu hút 91 chủ thể tham gia, trong đó có 71 chủ thể/81 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, thu nhập của DN, cơ sở và hộ gia đình sở hữu sản phẩm OCOP đều tăng. Ông Phúc cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận OCOP nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu phát triển mới khoảng 30 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong số này, có khoảng 3 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng 5 sao. Bên cạnh đó, nâng hạng sao 15 sản phẩm đã được chứng nhận từ 3 sao lên 4 sao và 2 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao”.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ