Bầu cử đại biểu Quốc hội - Những chặng đường đã qua (KHÓA III - V)
QUỐC HỘI KHÓA III (1964 - 1971)
Quốc hội khóa III có 453 đại biểu, trong đó được cử tri bầu vào ngày 26.4.1964 có 366 đại biểu, số đại biểu các tỉnh ở miền Nam lưu nhiệm là 87 đại biểu; có 16,6% số đại biểu là người dân tộc thiểu số; 80,6% đại biểu là đảng viên; 16,7% đại biểu là nữ. Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 23 thành viên chính thức và 3 thành viên dự khuyết; bầu đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội thành lập 5 ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật; Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Thống nhất; Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Quốc hội khóa III đã thông qua 1 luật, 5 pháp lệnh, phê chuẩn 4 hiệp định, hiệp ước quốc tế.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định có 10 đại biểu lưu nhiệm.
QUỐC HỘI KHÓA IV (1971 - 1975)
Quốc hội khóa IV được cử tri bầu vào ngày 11.4.1971 có 420 đại biểu, trong đó có 17,3% số đại biểu là người dân tộc thiểu số, 75,4% số đại biểu là đảng viên và 29,7% đại biểu là nữ. Do hoàn cảnh chiến tranh, lúc bấy giờ tỉnh Bình Định nằm trong vùng tạm chiếm của địch nên không tổ chức bầu cử được.
Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 24 thành viên chính thức và 3 thành viên dự khuyết; bầu đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội thành lập 5 ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật; Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách; Ủy ban Thống nhất; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Quốc hội khóa V đã thông qua 1 pháp lệnh.
QUỐC HỘI KHÓA V (1975 - 1976)
Quốc hội khóa V được cử tri bầu vào ngày 6.4.1975 có 424 đại biểu, trong đó có 16,7% số đại biểu là người dân tộc thiểu số; 73% số đại biểu là đảng viên; 32% là nữ.
Do điều kiện miền Nam còn chiến tranh, tuy lúc bấy giờ tỉnh Bình Định đã được giải phóng nhưng theo chủ trương chung không tổ chức bầu cử ĐBQH.
Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 19 thành viên chính thức và 3 thành viên dự khuyết; tiếp tục bầu đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội thành lập 6 ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Thống nhất; Ủy ban Đối ngoại.
Quốc hội khóa V có thời gian hoạt động ngắn nhất, từ tháng 4.1975 đến tháng 4.1976 do thực hiện chủ trương rút ngắn nhiệm kỳ để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu ĐBQH chung của đất nước Việt Nam thống nhất.
Quốc hội khóa V đã quyết định kế hoạch phát triển KT-XH nhà nước năm 1975 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm lần thứ 2 (1975 - 1980); phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.
(Còn nữa)