“Giữ lửa” văn hóa đọc
“Tôi nghĩ đọc sách là niềm say mê, thể hiện đẳng cấp con người trong xã hội. Chúng ta tự hào nước Việt bốn ngàn năm văn hiến thì phải xem việc làm sách và đọc sách là một trong những yếu tố chủ đạo trong xây dựng xã hội hiện đại”, ông Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở TT&TT, khẳng định vậy khi nói về ý nghĩa Ngày Sách Việt Nam (21.4) đối với đời sống xã hội hiện nay.
Ông Mừng cho hay: Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 284/QĐ-TTg lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách trau dồi kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng. Ngày Sách Việt Nam ngày càng lôi cuốn và gây cảm hứng cho người viết sách, nghề xuất bản sách và người đọc sách. Từ đó, tạo sự lan tỏa, khơi dậy niềm vui đọc sách cho mọi tầng lớp nhân dân trong đời sống xã hội hiện nay.
Ông cho biết cụ thể hơn về hiệu quả của các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam mà Bình Định đã tổ chức trong thời gian qua?
- Cùng với cả nước, Ngày Sách Việt Nam tại Bình Định là ngày hội của những người yêu thích và đọc sách, một nét đẹp văn hóa được cộng đồng đón nhận và tôn vinh. Phong trào đọc sách bước đầu có những khởi sắc, sôi nổi hơn, thu hút được nhiều người tham gia, nhất là học sinh, sinh viên.
Tại các sở, ban, ngành và tổ chức hội, đoàn thể, việc triển khai Ngày Sách Việt Nam ngày càng được chú trọng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Mạng lưới thư viện, hệ thống thư viện trường học ở các địa phương trong tỉnh được cải tạo với cơ sở vật chất, thiết bị được chú trọng đầu tư, thu hút nhiều nguồn lực tài chính tài trợ để đa dạng hóa nguồn tài liệu phục vụ nhu cầu người đọc sách. Các phong trào, chương trình quyên góp, ủng hộ sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được tổ chức thường xuyên hơn.
Có thể thấy rằng, việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam đã tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn độc giả, thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với kho tàng văn hóa nhân loại. Những chương trình phong phú, hấp dẫn trong Ngày Sách Việt Nam tại Bình Định từng bước tái lập tinh thần truyền thống quý trọng sách, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở địa phương.
Nhưng sự phát triển internet, các loại hình giải trí cũng lấn át văn hóa đọc…
- Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay khiến văn hóa đọc bị lấn át đáng kể. Sự suy giảm, lệch lạc của văn hóa đọc đã trở thành vấn đề chung của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, việc đọc sách hiện nay phần nào thiên về hướng thị hiếu giản đơn hơn là việc bồi dưỡng giá trị trí tuệ và tâm hồn. Chưa kể, chất lượng của một số xuất bản phẩm chưa đạt chuẩn hoặc có vấn đề yếu kém chuyên môn hay phẩm cách, tư tưởng, đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến việc làm giàu vốn tri thức, tâm hồn, văn hóa của đời sống con người, xã hội.
Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh.
Hiện nay, văn hóa đọc đang chuyển dịch hình thức đọc từ tài liệu in sang tài liệu điện tử. Internet và văn hóa nghe nhìn về bản chất cũng dung chứa hình thức mới của sách và văn hóa đọc. Bên cạnh sách in (giấy) và sách điện tử (ebook), khái niệm sách nói (audiobook) ngày càng phát triển. Đây chính là những loại hình chính của hoạt động xuất bản, được định dạng trong các thiết bị lưu trữ như băng cassette, CD, VCD, DVD, USB, thẻ nhớ, smartphone, hoạt động trên các ứng dụng công nghệ.
Căn cứ vào từng hoàn cảnh, nhu cầu xã hội đòi hỏi các thiết chế phục vụ văn hóa đọc như xuất bản, phát hành và đặc biệt là hệ thống thư viện phải đổi mới, hiện đại hóa. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm khôi phục, duy trì và phát triển văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin.
Cùng với đó, các ngành chức năng liên quan cần đẩy mạnh quản lý, nâng cao chất lượng công tác xuất bản; tăng cường tuyên truyền, rèn luyện văn hóa đọc trong nhà trường, từ gia đình. Đồng thời, quan tâm phát triển thiết chế cho văn hóa đọc, kết nối, giao lưu và lan tỏa, đó chính là hệ thống thư viện, tạo môi trường đọc sách thoải mái, hấp dẫn bạn đọc hơn nữa.
Ngày Sách Việt Nam năm nay tại Bình Định sẽ có những hoạt động nào, thưa ông?
- Sở TT&TT là cơ quan đầu mối phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch và tổ chức các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Bình Định. Theo đó, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như: Chương trình phát động, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tôn vinh và giới thiệu điểm sáng phong trào đọc sách; tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Tuần lễ sách và Văn hóa đọc; Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong hệ thống trường học, hệ thống thư viện, lực lượng vũ trang trong tỉnh. Các hoạt động này sẽ diễn ra trong tháng 4.2021.
Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)