Bền bỉ một bếp cháo tình thương
Bếp cháo tình thương của phật tử chùa An Long (ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) bắt đầu đỏ lửa năm 2008. Đến nay, sau 13 năm, bếp vẫn bền bỉ với 2 bữa cháo/tháng cho bệnh nhân nghèo tại 3 bệnh viện. Từ năm 2014, các thành viên của bếp còn đồng hành với Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh vào ngày 14 âm lịch hằng tháng với khoảng 600 suất ăn.
Ngày 14 và 30 âm lịch hằng tháng, bếp cháo tại chùa An Long lại tất bật. Ở nơi này, bất kể mùa mưa hay nắng, lưng áo của những người đứng giữa 4 - 5 bếp lửa đều mướt mồ hôi, gương mặt họ đỏ lên bởi hơi nóng từ các nồi cháo cỡ lớn, của khói bếp. Hành lang phía ngoài bếp, chục người khác đang khẩn trương gọt vỏ, sơ chế cà rốt, đậu, nấm... Sự vội vã bao trùm nơi đây, bởi 5 giờ sáng, 20 xô cháo với khoảng 500 lít cháo phải được chuyển đến 3 bệnh viện (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, Bệnh viện Tâm thần Bình Định, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định) cho kịp giờ ăn sáng của bệnh nhân và người nhà.
Ngay sau khi cấp phát xong các suất cháo, nếu là ngày 14 âm lịch thì chuyến xe chở nguyên liệu và một số tình nguyện viên xuống Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh cũng khởi hành để tầm 10 giờ sáng, các suất cơm trưa sẵn sàng để chuyển đến các khoa.
Không quá dày về lịch nấu nhưng sự bền bỉ của bếp cháo qua từng năm tháng là điều đáng được ghi nhận. Ở đây, có người đã gắn với bếp 13 năm, cũng có người mới tham gia được vài ba năm. Song, mỗi người đều cố gắng sắp xếp việc nhà để đúng ngày đúng giờ hẹn là quây quần chuẩn bị nguyên liệu, nấu cháo, cấp phát. Tất cả đều tự nguyện, chân thành phát tâm. Điều níu giữ họ lại với gian bếp đơn sơ ấy là cái tâm thiện lành thấm nhuần lời dặn dò của Thượng tọa Thích Quảng Long, Trụ trì chùa An Long, Phó Ban Từ thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: “Cho đi để nhận lại. Mỗi người biết sẻ chia một chút thì đồng bào nghèo sẽ bớt khó khăn, cuộc sống ý nghĩa hơn”.
“Bếp chính” - bà Nguyễn Thị Đông nói thêm: “Với từng ấy thời gian đỏ lửa, điều chúng tôi thấy tự hào chính là sự đoàn kết, gắn bó lâu dài của rất nhiều người. Các anh chị vừa góp công, góp sức, góp tiền. Tùy vào mối quan hệ, điều kiện của từng người mà còn góp phương tiện vận chuyển, góp củi... Mỗi người đều là một cánh tay đắc lực của bếp. Chỉ cần vắng 2, 3 đôi tay thôi là bếp mất đi sự nhịp nhàng”.
Sự hoạt động đều đặn của bếp cháo đã mang đến nhiều niềm vui bất ngờ, ấm lòng cho bệnh nhân. Như ông Lê Văn Mà (62 tuổi, ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định nói: “Một tháng, tôi ăn chay 4 ngày. Nằm viện thì có hơi bất tiện hơn. Sáng 14 âm lịch, tôi định đi mua cháo chay. Xuống đến sảnh, nghe mấy người bệnh khác dặn là sáng nay có phát cháo chay miễn phí, tôi mừng trong bụng. Một ca cháo chay này, tôi ăn từ sáng đến trưa. Mà mấy cô nấu đậm đặc, thơm ngon, nóng hổi, dễ ăn lắm!”.
Còn chị Lê Thị Ngọc Trâm (51 tuổi, ở phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn), bản thân khuyết tật, lại phải mang theo con trai khiếm thị vào Bệnh viện Tâm thần Bình Định để chăm sóc chồng, thì cho rằng: “Suất cháo sáng có bánh, chuối kèm theo của phật tử chùa An Long an ủi những người đang trong cảnh khó khăn bao vây tứ phía như nhà tôi. Chỉ mong các anh chị khỏe mạnh dài lâu để tiếp tục hỗ trợ những người khó khăn, đau ốm”.
Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI