Tìm ra nguyên nhân đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca
Nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho thấy ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vaccine AstraZeneca tạo ra kháng thể bất thường gây cục máu đông.
Kết quả hai nghiên cứu này được xuất bản trên Tạp chí Y học New England ngày 9.4. Trong đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Đức phân tích dữ liệu 11 bệnh nhân, gồm 9 phụ nữ, tuổi từ 22 đến 49. Khoảng 5 đến 16 ngày sau tiêm vaccine, họ có triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não (cục máu đông chèn tĩnh mạch não). Một số có cục máu đông trong phổi, bụng hoặc khu vực khác. 6 trong 11 người này đã tử vong, một người chết do xuất huyết não.
Người dân Bucharest, Romania được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca hồi tháng 2.2021. Ảnh: AP
Trong cuộc họp báo ngày 9.4, tiến sĩ Andreas Greinacher, tác giả nghiên cứu, cho biết một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường, sai hướng, phản ứng ngược lại với vaccine. Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine" (VITT).
Tiến sĩ Greinacher gọi đây là "tin tốt" đối với phần đông dân số, hầu hết không có đặc điểm sinh học bất thường. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Chúng ta chưa thể dự đoán ai có khả năng phát triển loại kháng thể này".
Nhóm nghiên cứu đề nghị sử dụng thuốc chống đông máu để điều trị các bệnh nhân. Đến nay, phòng thí nghiệm của tiến sĩ Greinacher chỉ xác định được khoảng 40 trường hợp như trên, trong số 1,4 triệu người Đức đã tiêm chủng. Ông cho rằng những ca tử vong sau tiêm ở người trẻ tuổi là "bi kịch", song cũng lưu ý con số này rất nhỏ. Tiến sĩ Greinacher cảnh báo: "Không tiêm chủng sẽ khiến nhiều người bị bệnh nặng hơn".
Nghiên cứu của các nhà khoa học Na Uy cho kết quả tương tự. Công trình tiến hành trên 5 bệnh nhân, một nam và 4 nữ trong độ tuổi từ 32 đến 54. Tất cả bị đông máu hoặc xuất huyết bất thường từ 7 đến 10 ngày sau tiêm vaccine AstraZeneca. 4 người có cục máu đông trong não, 3 người đã tử vong. Triệu chứng ban đầu của họ là đau đầu dữ dội. Giống với các bệnh nhân Đức, họ đều có lượng kháng thể bất thường kích hoạt tiêu cầu.
Các nhà khoa học Na Uy khuyến nghị sử dụng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch để điều trị các bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu nhận định tình trạng này hiếm gặp, song là "có thể tàn phá sức khỏe người trẻ".
Trước đó, giới chuyên gia đề ra nhiều giả thuyết liên quan đến chứng đông máu sau tiêm vaccine Covid-19. Một số người cho rằng loại virus vô hại, mang DNA của tinh tinh có trong vaccine AstraZeneca là nguyên nhân. Tiến sĩ Greinacher nhận định giả thuyết này hợp lý, song chưa được chứng minh lâm sàng.
Kể từ khi được triển khai, vaccine AstraZeneca gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng 3, hàng loạt quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italy ngừng sử dụng sản phẩm do lo ngại về chứng đông máu. Ngày 18.3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố vaccine "an toàn và hiệu quả", không liên quan đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Các nước nối lại chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, số ca đông máu xảy ra nhiều hơn. Đến ngày 7.4, EMA thay đổi quan điểm, công nhận máu đông là "tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine". Nhiều quốc gia sau đó đã giới hạn độ tuổi tiêm chủng. Tuy vậy, EMA cũng như Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến nghị tiếp tục tiêm vaccine bởi "những lợi ích to lớn hơn các rủi ro".
Theo Thục Linh (vnexpress.net)