Nhận biết và xử trí sớm đột quỵ
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, dù là đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt; để bảo đảm “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cận kề có thể xảy ra. Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới, với con số khoảng
6,5 triệu người tử vong mỗi năm; tức trung bình mỗi 6 giây có một ca tử vong do đột quỵ.
Bác sĩ Bành Quang Khải - TTYT TP Quy Nhơn - cho biết: Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do mạch máu não bị tắc nghẽn, bị vỡ, gây gián đoạn việc vận chuyển máu để nuôi dưỡng não bộ. Khiến các tế bào thiếu hụt dinh dưỡng, oxy; các tế bào sẽ chết đi sau vài phút nếu vấn đề thiếu hụt này không được khắc phục.
Tùy theo mức độ tổn thương, cũng như số lượng các khu vực tổn thương khác nhau mà có một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau. Trong đó, 3 triệu chứng thường thấy nhất là nói ngọng, méo cười, tay chân buông xuôi. Khi người bệnh có các dấu hiệu này, cần nghĩ ngay đến đột quỵ. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu, để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200 nghìn trường hợp đột quỵ, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, có tỷ lệ từ 10 - 20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao. 10 - 13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại. Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục… Với người nhà bệnh nhân, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động. Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần.
Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách: Trước tiên đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương. Sau đó để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở. Nhanh chóng gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, bị chèn ép. Tuyệt đối không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)