Ông NGUYỄN VĂN TRUNG, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 (từ ngày 15.4 - 15.5) có chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm, nhấn mạnh: Bình Ðịnh tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Ông đánh giá thế nào về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là bối cảnh dịch bệnh Covid-19?
- Tại tỉnh ta, số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm ngày càng tăng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động quản lý ATTP vẫn được triển khai tích cực. Công tác bảo đảm ATTP tiếp tục có những chuyển biến căn bản, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, quản lý, người tiêu dùng được nâng cao.
Đoàn kiểm tra Sở Y tế chủ trì xét nghiệm nhanh phẩm màu công nghiệp và độ khét của dầu ăn tại một cơ sở sản xuất ở huyện Tuy Phước.
Nhận thức về ATTP của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực song vẫn cần những giải pháp quản lý mang tính răn đe, quyết liệt hơn nữa khi qua thanh tra, kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm ATTP. Ngay đợt tết nguyên đán và lễ hội Xuân 2021, 163 đoàn thanh kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 1.683 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong số này có 24 cơ sở bị xử lý vi phạm 76,77 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 37 cơ sở vi phạm nhưng chỉ nhắc nhở, chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ thuộc tuyến xã quản lý.
Những vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực bảo đảm ATTP thời gian qua là khu vực sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh, người tham gia sản xuất chưa được tập huấn kiến thức, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ…
Vậy, trong tháng hành động năm nay, công tác quản lý, bảo đảm ATTP tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì?
- Tháng hành động vì ATTP năm 2021 là điểm nhấn trong năm, tạo ra đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân trong tỉnh về công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội. Vì vậy, tỉnh sẽ tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng: Giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh trong việc xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, công bố tiêu chuẩn thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm; thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ quy định bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Điểm mới trong thanh tra, kiểm tra ATTP tháng hành động năm nay là gì?
- Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp từ tỉnh, huyện, xã sẽ kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất thực tế ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở này. Cơ sở nào thực hiện tốt quy định về bảo đảm ATTP, nhưng lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi vẫn xử phạt.
Công tác quản lý bảo đảm vệ sinh ATTP cần phải được làm thường xuyên, liên tục, đòi hỏi các cấp, các ngành phải phối hợp tích cực hơn nữa. Mặt khác, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý vệ sinh ATTP cần phân rõ và cụ thể hơn. Các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác hậu kiểm, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành có trọng tâm, trọng điểm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm nông lâm thủy sản. Kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị không tuân thủ quy định về ATTP, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đảm bảo ATTP.
Cũng phải nói thêm rằng, Tháng hành động vì ATTP là đợt cao điểm, tập trung một chủ đề “nóng” về ATTP, nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn.
Theo ông, các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng quản lý ATTP của tỉnh đã đủ mạnh trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”?
- Quản lý ATTP phải “vừa xây, vừa chống”, nhưng trong điều kiện hiện nay chúng ta cần phải tăng cường “chống bẩn” khi mà việc “xây sạch” chưa thể phát huy hiệu quả ngay lập tức. Thực tiễn cũng cho thấy nếu chỉ tiến hành thanh tra theo kế hoạch thì không phù hợp với lĩnh vực quản lý vệ sinh ATTP, quan trọng nhất là phải tăng cường thanh tra đột xuất theo báo cáo, thông tin từ người dân, các nguồn tin khác nhau.
Tỉnh luôn chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm có thể vận dụng, áp dụng nhiều biện pháp như phạt tiền, đình chỉ sản xuất đến khi nào cơ sở đó khắc phục được sai phạm… Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh, những sản phẩm không đạt bị thu hồi, tiêu hủy; sau thanh tra, kiểm tra tiến hành phúc tra. Những cơ sở vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ ngay từ đợt thanh tra, kiểm tra đầu tiên.
Xin cảm ơn ông!
THU HIỀN (Thực hiện)