Cảnh báo hệ lụy từ “tín dụng đen”
Hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay trả góp với lãi suất cao không chỉ bùng phát mạnh ở đô thị mà đã len lỏi về các vùng nông thôn. Tệ nạn này phát sinh nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại nhiều địa phương.
Mất nhà, tính mạng bị đe dọa
Gửi đơn tới Báo Bình Định, ông Nguyễn Văn Tư (ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát), trình bày: Cuối tháng 11.2020, do cần tiền để làm ăn nên ông “mượn” của ông Tr.T.T. (ở huyện Tuy Phước) số tiền 200 triệu đồng. Điều kiện để được “mượn” tiền là ông Tư làm hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số 457, tờ bản đồ số 11 (diện tích 193,2 m².) và tài sản trên đất là căn nhà cấp 4 (diện tích xây dựng 40 m².) cho ông T. với số tiền 230 triệu đồng.
Căn nhà cấp 4 của ông Tư bị ông T. chiếm dụng với lý do sổ đỏ của ông Tư đã sang tên cho ông T.
Vì quá cần tiền nên ông Tư đồng ý lập hợp đồng chuyển nhượng theo điều kiện ông T. đưa ra. Đồng thời, 2 bên còn lập “hợp đồng giao giữ sổ đỏ” để tạo niềm tin cho nhau. Theo nội dung hợp đồng thì ông Tư giao cho ông T. sổ đỏ có thửa đất số 457, tờ bản đồ số 11 và căn nhà cấp 4 trên đó. Trong vòng 30 ngày, ông Tư trả tiền cho ông T. và lấy lại sổ đỏ; trong thời gian này, ông T. không được sang nhượng cho người thứ 2 và không được sử dụng sổ đỏ để vay ngân hàng. Khi ông Tư trả tiền thì ông T. có trách nhiệm thực hiện thủ tục sang nhượng lại sổ đỏ.
Đến cuối tháng 12.2020, ông T. yêu cầu ông Tư trả 30 triệu đồng là số tiền lãi của khoản tiền 200 triệu đồng đã “mượn” (lãi suất 15%/tháng). Tuy nhiên, ông Tư không đủ tiền nên chuyển trả trước ông T. 10 triệu đồng. Sau đó, vào tháng 2.2021, ông T. cho người tới căn nhà của ông Tư ở thôn Xuân An phá cửa, chiếm dụng với lý do sổ đỏ của ông Tư đã sang tên cho ông T.
Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị Diệu Linh (ở khu phố An Hòa, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát), trước đây có vay của ông L.V.H số tiền 20 triệu đồng để làm ăn. Theo thỏa thuận, cứ 10 ngày bà Linh phải trả 1 triệu đồng tiền lãi (lãi suất 15%/tháng). Sau đó, bà Linh tiếp tục vay của ông H. số tiền 50 triệu đồng, với lãi suất 30%/tháng.
Dù cố trả lãi theo thỏa thuận, nhưng do “lãi mẹ đẻ lãi con” nên dần dà bà Linh không đủ khả năng chi trả; tổng tiền nợ cả lãi lẫn gốc lên tới 100 triệu đồng. Ông H. tiếp tục cho bà Linh vay 100 triệu đồng và phải trả lãi số tiền 4 triệu đồng/ngày. Số tiền lãi quá cao nên thời gian gần đây bà Linh hết khả năng trả lãi và gốc đã vay. Do đó, ông H. cử hàng chục người tới nhà bà Linh đập phá tài sản, đe dọa, đánh đập người thân của bà gây thương tích.
Cẩn trọng với “tín dụng đen”
Trên đây là 2 trường hợp cụ thể trong vòng xoáy “tín dụng đen” đã và đang len lỏi về các vùng quê trên địa bàn tỉnh ta. Hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay trả góp như chiếc vòi bạch tuột vươn ra khắp nơi; chực chờ “bẫy” những người nhẹ dạ cả tin hay những người vì điều kiện kinh tế khó khăn, bệnh tật buộc phải tìm đến loại hình này.
Tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay trả góp xuất hiện nhan nhản ở nhiều vùng nông thôn.
Thực tế hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn, xuất hiện nhan nhản những tờ rơi, mẫu giấy quảng cáo cho vay trả góp với nội dung hấp dẫn như: Thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, không thế chấp, không phụ phí. Thế nhưng, sự thật không như vậy, bởi người vay thường chịu mức lãi suất rất cao, khó có thể trả hết nợ.
Luật sư Nguyễn Văn Triết, Văn phòng Luật sư Triết và cộng sự (Đoàn luật sư tỉnh Bình Định), cho biết: Với cách tính lũy kế tiền lãi vào tiền gốc khi người vay không trả đúng hạn sẽ dẫn đến tình trạng lãi “mẹ đẻ lãi con”. Số tiền gốc và lãi phải trả cao hơn nhiều lần so với tiền đã vay; người vay rất dễ rơi vào cảnh nợ chồng nợ. Do đó, mọi người cần cẩn trọng khi lựa chọn dịch vụ này; bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm những người mượn danh cho vay trả góp, nhưng thực chất là cho vay nặng lãi.
Còn theo đại diện một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh, loại hình “tín dụng đen” tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, người dân có nhu cầu vay vốn nên tìm đến các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp để vay vốn.
Bài, ảnh: CÔNG LUẬN