Tâm huyết, bản lĩnh, hiệu quả - Kỳ 2
Kỳ 1: Từ tiếng nói của cử tri
Kỳ 2: Vẹn tròn trách nhiệm người đại biểu dân cử
Khi đeo trên ngực trái huy hiệu của ĐBQH, từng đại biểu luôn xác định mình phải không ngừng nỗ lực trong suốt quá trình hoạt động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới cách thức làm việc để ngày càng hiệu quả hơn.
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV theo hình thức trực tuyến. Ảnh: N.V.T
● Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÝ TIẾT HẠNH:
Kết quả giải quyết kiến nghị là thước đo hiệu quả hoạt động
Với trách nhiệm là người đại biểu của dân, nói lên tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của cử tri, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh luôn lắng nghe, tìm hiểu, nắm bắt các vấn đề từ thực tiễn. Từ đó, soi chiếu vào hệ thống các quy định pháp luật, tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách để tổng hợp, đề xuất và theo dõi quá trình giải quyết ý kiến, kiến nghị. Kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính là thước đo giá trị cho hiệu quả hoạt động của người đại biểu dân cử.
Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận được hơn 4.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri - một con số rất ấn tượng. Trên cơ sở đó, Đoàn đã nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp, gửi 441 nhóm kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; 408 nhóm kiến nghị đến UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 280 văn bản trả lời của Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương đối với 425/425 ý kiến, kiến nghị; trên 180 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đối với 399/399 ý kiến, kiến nghị.
Chúng tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã lắng nghe, ghi nhận và có các hành động cụ thể, có trách nhiệm để giải quyết từng kiến nghị cụ thể. Đoàn ĐBQH tỉnh đã sao gửi các văn bản trả lời đến Ủy ban MTTQ tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã và thành phố; đăng tải nội dung trả lời lên trang Thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH tỉnh. Đồng thời, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, các ĐBQH trong Đoàn đã trực tiếp báo cáo một số nội dung trả lời kiến nghị đến cử tri; tiếp tục nghiên cứu, phản ánh, kiến nghị đối với những nội dung đã trả lời nhưng chưa rõ ràng, còn chung chung…
Đáng chú ý, có những vấn đề được chúng tôi theo đuổi kết quả giải quyết xuyên suốt trong thời gian dài. Chẳng hạn, vấn đề QL 1A qua địa bàn tỉnh xuống cấp và phương án xử lý của các đơn vị liên quan. Sau khi có ý kiến của Đoàn, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp về tỉnh để chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong tỉnh, phải được giải quyết thực chất, không để lặp lại tình trạng đường làm xong lại hỏng. Vì vậy, Đoàn luôn theo dõi sát sao quá trình giải quyết, cập nhật các chính sách mới có liên quan cũng như ý kiến của cử tri để đánh giá khách quan, toàn diện, có kiến nghị kịp thời đối với những vấn đề phát sinh.
● ĐBQH LÊ CÔNG NHƯỜNG:
Không ngại va chạm, đeo đuổi đến cùng vấn đề
Trước khi bước vào một kỳ họp Quốc hội, chúng tôi đều mang nặng “hành trang” là những kiến nghị, gửi gắm của cử tri. Để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, chúng tôi luôn xác định phải nỗ lực hết mình, đi đến tận cùng vấn đề, không nể nang, ngại va chạm.
Trong các vấn đề được Đoàn quan tâm xuyên suốt nhiệm kỳ 2016 - 2021, đáng chú ý là việc thực hiện Nghị định 67/2014/ NĐ-CP của Chính phủ (về một số chính sách phát triển thủy sản) đã bộc lộ không ít hạn chế trong thực tế triển khai. Bộ NN&PTNT đã ban hành 21 mẫu tàu vỏ thép, nhưng áp dụng tại từng địa phương lại chưa phù hợp. Để phát triển bền vững nghề cá, bên cạnh nâng cấp phương tiện kỹ thuật, còn cần đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép. Chính những ngư dân tiên phong, có trình độ giỏi nhất nhưng chưa được đào tạo để thích nghi với kỹ thuật, phương tiện mới đã trở thành con nợ xấu. Ở Bình Định có ngư dân cùng đường phải vay tín dụng đen, bị truy lùng phải bỏ trốn, gia đình tan nát. Tôi nhiều lần kiến nghị Chính phủ đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời những bất cập trong quá trình thực hiện để hỗ trợ những ngư dân tiên phong với Nghị định 67. Từ đó, giúp họ vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Bên cạnh đó, một vấn đề tôi và các ĐBQH trong Đoàn rất quan tâm và đề cập nhiều lần trong các phiên thảo luận tổ cũng như tại hội trường xuyên suốt nhiều kỳ họp là chính sách cụ thể dành cho Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa (TP Quy Nhơn). Bình Định đã bố trí 300 ha ở Quy Hòa để quy hoạch công viên phần mềm, bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ… Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bình Định và các bộ ngành nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa để áp dụng cơ chế chính sách cho đô thị khoa học. Song, khái niệm “đô thị khoa học” vẫn chưa tường minh; Luật Đầu tư, Luật Đất đai đều chưa có khái niệm này, dẫn đến “nghẽn” về chính sách. Trong đó, nổi bật là chính sách miễn giảm tiền thuê đất để thực hiện Dự án.
Mới đây, ngày 7.4, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý miễn tiền thuê đất cho Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) từ năm 2011 đến hết năm 2020, đồng thời không tính tiền chậm nộp tương ứng với số tiền thuê đất được miễn. Đây là tin vui với những người làm khoa học, cũng là nguồn động viên lớn đối với những đại biểu dân cử như chúng tôi sau nhiều lần lên tiếng.
● ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH:
Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội
Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong ứng dụng nghệ thông tin phục vụ kỳ họp, như gửi chương trình, tài liệu, thông báo, xin ý kiến đại biểu... thực hiện qua mạng. Đặc biệt là đã tổ chức thành công các cuộc họp trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả đó, tại buổi họp đánh giá tổng kết về Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, tôi đã góp ý cần ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đưa ý kiến của cử tri, những bất cập trong thực tiễn đến diễn đàn Quốc hội nhanh chóng, rõ ràng, chân thực. Tôi cũng đã đề xuất sử dụng màn hình tại Hội trường Quốc hội để các đại biểu có thể diễn đạt nội dung đề xuất, đánh giá các chính sách hay phản ánh ý kiến của cử tri qua hình ảnh, video được trực quan, chính xác, giúp nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả từng bài phát biểu của các ĐBQH đến với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương.
Trước đó, thông qua máy tính bảng được Quốc hội cung cấp, lần đầu tiên tôi đã đưa các hình ảnh minh họa, các phân tích, đề xuất giải pháp bằng hình ảnh về tình hình giao thông để thông qua đó Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị có liên quan có những sửa đổi, điều chỉnh phù hợp hơn đối với các quy định pháp luật về giao thông, giúp giảm số tai nạn, số người chết, bị thương.
Chẳng hạn, đề xuất về mở cửa an toàn, bảng tên đường hướng dẫn tìm nhà đúng hướng, điều chỉnh quy hoạch tín hiệu đèn giao thông hiệu quả hơn... với các hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.
NGUYỄN VĂN TRANG (Ghi)
Kỳ cuối: Đại biểu chuyên nghiệp, Quốc hội hiện đại