Giữ gìn “hồn quê” đình, miếu ở phố
Theo sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều làng trong tỉnh trước đây đã trở thành khu phố, nhưng vẫn tiếp nối truyền thống, gìn giữ “hồn quê” ở các đình, miếu, góp phần tạo sự gắn kết cộng đồng dân cư qua tín ngưỡng dân gian, cùng hướng đến cầu mong những điều tốt đẹp.
Điểm chung của các đình, miếu trong tín ngưỡng dân gian của người Việt là thờ Thành hoàng làng cùng các vị thần khác là chỗ dựa tâm linh cho cộng đồng dân cư; các bậc hậu hiền, tiền hiền có công đóng góp xây dựng làng, lập đình… thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”. Chúng tôi đã đến tìm hiểu nhiều đình, miếu được các thế hệ người dân địa phương tiếp nối gìn giữ tốt ở TP Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước.
Đến khu phố 3, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, có thể thấy miếu Thanh Minh (được xây dựng, tôn tạo lại năm 2007 và tu bổ thêm các năm sau đó) nằm lùi sâu vào trong trên đường Bạch Đằng nhộn nhịp người xe, xung quanh miếu là nhà dân san sát. Bước vào chánh điện, có tấm bảng trang trọng với nội dung về lịch sử hình thành cổ miếu từ năm 1878, trong đó nhấn mạnh sự tôn kính, biết ơn những người ở nhiều thế hệ đã chung tay gìn giữ, tôn tạo để ngôi miếu được tồn tại đến hôm nay.
Ở 4 khu phố 4,5,6,7 của phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) còn gìn giữ tốt 8 ngôi miếu đã có từ lâu đời, trong đó ngôi miếu Chính (khu phố 7) lớn nhất được người dân, nhà tài trợ đóng góp ủng hộ 360 triệu đồng tu sửa lại khang trang hơn năm 2020. Đặc biệt, khu phố 6 có đình An Định được xây dựng trên khu đất khá rộng lớn từ năm 1969, từ đóng góp của người dân. Đình An Định giữ vai trò trung tâm kết nối hoạt động tín ngưỡng dân gian ở 8 miếu trực thuộc, dịp cúng tế hằng năm ở đình đều có đóng góp, tham gia của ban tự tín (quản lý) của 8 ngôi miếu và người dân ở 4 khu phố. Đình An Định cũng có thêm các lần tu sửa lại (gần nhất cách đây 3 năm) để khang trang như hiện nay.
Ông Trường Đình Cẩn (70 tuổi), Trưởng ban tự tín đình An Định, chia sẻ: “Sinh sống ở địa phương từ trước đến giờ, chứng kiến và tham gia biết bao kỳ cúng tế, lễ hội nơi đình, miếu, tôi thấm sâu được ý nghĩa tốt đẹp của tín, ngưỡng dân gian. Đình hiện vẫn tạo được không gian chung kết nối người dân qua nhiều thế hệ, nhất là khi cuộc sống ngày nay ai cũng bận rộn làm ăn nên ít có dịp gặp nhau hơn... Vào các dịp cúng lớn ở đình hằng năm, không chỉ rất đông người dân ở 4 khu vực cùng tham gia đóng góp tiền, công sức, mà những người dân địa phương và dâu, rể, con, cháu ở xa cũng trở về chung vui…”.
Trên địa bàn TX An Nhơn, một trong những ngôi đình được giữ gìn tốt nhất hiện nay là đình Tiên Hội ở khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành. Đình được người dân xây dựng, tu sửa lại từ năm 1971, rồi có thêm nhiều lần tôn tạo công trình kiến trúc và khuôn viên đình trên khu đất khoảng 2500 m2, nhưng vẫn giữ lại được một số kiến trúc xưa như miếu cổ, hai cổng nhỏ phía Đông, Tây, tượng hai “ông cọp”, bức bình phong, hai cây duối cổ thụ trồng đối xứng bên trong sân đình...
Miếu cổ thở Thành Hoàng trong đình Tiên Hội
“Từ ngôi đình đơn sơ ngày xưa đến to đẹp như ngày nay đã ghi dấu nhiều đóng góp, ý thức gìn giữ của các thế hệ người dân Tiên Hội. Ban quản lý đình chúng tôi hiện nay thường được các cụ cao tuổi hơn lui tới động viên, chỉ dẫn thêm về nghi thức cúng tế theo đúng truyền thống. Nhiều người dân Tiên Hội đi xa nhiều năm trở về, đã xúc động khi lại được bước chân vào đình, thắp hương miếu cổ, được đứng dưới bóng mát cây dúi cổ thụ… từng một thời thân thuộc với mình”, ông Nguyễn Kha (65 tuổi), Trưởng Ban quản lý đình Tiên Hội, bộc bạch.
Ngôi miếu trong tỉnh được đầu tư nhiều chi phí xây dựng nhất hiện nay là miếu Đông ở khu phố Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước, hoàn thành cách đây khoảng 9 tháng, với hai chủ đầu tư tài trợ 100 nghìn USD chi phí xây dựng miếu là ông Cao Thành Nhung (Mỹ), bà Trần Thị Hậu (TP Hồ Chí Minh) và gia đình ông Hai Hiếu. Bà Hậu là con và ông Nhung là cháu của ông Hai Hiếu (đã mất), thuở nhỏ sống ở thôn Trung Tín 1 (nay là khu phố), đã cùng chung tay thực hiện tâm nguyện của ông Hai Hiếu khi còn sống là tu sửa lại ngôi miếu đã xuống cấp sau nhiều năm. Trông coi miếu những năm qua là ông Trần Trung Tín cũng là con trai ông Hai Hiếu. Miếu Đông sau khi tu sửa đã thu hút thêm người dân đến thăm viếng, dâng hương, tham gia đóng góp nhiều hơn cho hoạt động gắn kết cộng đồng qua tín ngưỡng dân gian…
Một trong những đóng góp của các đình, miếu nêu trên nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung góp phần quan trọng “nuôi sống” các đoàn tuồng không chuyên, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Bình Định trong đời sống hôm nay. “Cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng nhờ có các đình, miếu trong tỉnh được gìn giữ mà chúng tôi mới có được nhiều điểm diễn hằng năm cũng như các thế hệ nghệ nhân trước đây…”, nghệ nhân Phan Ngọc Bạn, Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, cho biết.
Bài, ảnh: HOÀI THU