Nghề làm chổi lông gà ở khu phố Công Chánh
Ở khu phố Công Chánh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), nghề làm chổi lông gà đã hình thành, phát triển đến nay đã được 20 năm. Hiện hộ ông Lê Văn Trợ có thâm niên làm chổi lông gà với quy mô lớn nhất ở nơi đây. “Trước đây, bà con ở đây chủ yếu làm nông, đời sống nhiều khó khăn, gia đình tôi cũng vậy. Lúc đó, con tôi vô thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) nhận chổi lông gà của các hộ sản xuất để đi bán lẻ kiếm lời. Sau đó, cha con tôi tự học lỏm nghề về làm, rồi dần có kinh nghiệm để sản phẩm của mình đẹp hơn. Tôi mở rộng quy mô sản xuất, phân phối cho người khác gia công chổi lông gà và đi bán lẻ”, ông Trợ kể.
Theo ông Trợ, nghề làm chổi lông gà (thường có 3 cỡ lớn, trung, nhỏ) khá nhẹ nhàng, nhưng trải qua nhiều công đoạn. Cán chổi là loại trúc đá nhập từ Đắk Lắk có độ chắc, dẻo, được hơ trên lửa để uốn thẳng, cưa cắt theo kích thước. Lông gà mua từ miền Tây, đem giặt sạch với xà phòng, phơi khô để không còn mùi hôi, rồi phân loại để làm chổi. Tiếp theo là trét dầu hắc lên cán chổi trúc, rồi quấn lông gà quanh cán để thành chổi. Ông Trợ cho biết: “Mấy năm gần đây, tôi còn sản xuất thêm chổi sợi nhựa. Sản phẩm chổi lông gà của gia đình tôi được tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, như: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu... Gia đình tôi làm chổi thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ năm, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mừng (khu phố Công Chánh) đến với nghề làm chổi lông gà sau thời gian nhận chổi đi phân phối cho cơ sở ông Trợ. Chị Mừng chia sẻ: “Làm chổi là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng vẫn mang lại thu nhập khá. Vợ chồng tôi tự mua nguyên vật liệu để về làm chổi, rồi chở đi bán dạo nhiều nơi trong tỉnh. Chổi lớn bán giá 30.000 đồng/cây, chổi nhỏ, chổi trung giá dao động từ 5.000 - 15.000 đồng/cây; mỗi tháng cũng kiếm từ 4 - 5 triệu đồng tiền lãi từ công việc này”.
Theo ông Trần Thế Nhân, Trưởng khu phố Công Chánh, tại khu phố hiện có 4 cơ sở sản xuất chổi lông gà quy mô lớn, khoảng 40 hộ nhận gia công chổi lông gà hoặc làm chổi lông gà quy mô nhỏ, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC NHUẬN