Chủ động giữ rừng đặc dụng An Toàn
Bên cạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn (Sở NN&PTNT) chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong bảo vệ rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (huyện An Lão).
Năm 2009, UBND tỉnh thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn để thực hiện chức năng quản lý khu rừng đặc dụng tại xã An Toàn, huyện An Lão. Đến năm 2013, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được thành lập trên cơ sở chuyển đổi diện tích khu rừng bảo vệ cảnh quan An Toàn và Lâm trường An Sơn cũ.
Lực lượng Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn tuần tra bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.
Hiện Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn quản lý hơn 25.100 ha rừng tự nhiên và hơn 22.600 ha đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng tại xã An Toàn. Diện tích rừng quản lý nằm ở vùng núi cao hiểm trở, giáp ranh với huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi; ngoài việc thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, đơn vị còn phối hợp với UBND xã An Toàn, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ rừng và PCCC rừng (BVR&PCCCR).
Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết: “Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với rừng nguyên sinh, hệ sinh thái rừng đa dạng nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Đơn vị giao khoán hơn 7.500 ha rừng cho người dân bảo vệ, góp phần hạn chế tình trạng xâm hại rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép”.
Xã An Toàn có 230 hộ dân, trong đó 99% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên công tác BVR được chính quyền địa phương chú trọng thực hiện với việc thành lập 3 tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở 3 thôn và 3 tổ quản lý BVR để phối hợp tuần tra BVR&PCCCR. “Hằng năm, xã phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn thống nhất đề ra cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả công tác BVR&PCCCR, khoán và ký cam kết BVR. Không chỉ vậy, từ năm 2016 đến nay, huyện An Lão hỗ trợ kinh phí để khoán cho người dân khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 300 ha cây mây rừng với mức 1,5 triệu đồng/ha/hộ/5 năm đến chu kỳ khai thác, giúp bà con có thêm thu nhập”, ông Đinh Văn Lày, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, cho hay.
Ông Đinh Văn Lý, già làng thôn 2, xã An Toàn, chia sẻ: “Đời sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng. Nhà nước đã hỗ trợ bà con bằng cách khoán BVR, rồi được nhận khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh cây mây rừng, hỗ trợ con giống để chăn nuôi, ổn định cuộc sống, nên bà con có ý thức phải giữ rừng, cũng là giữ cuộc sống của mình. Bây giờ bà con không còn vào rừng săn bắt thú rừng, phá rừng nữa”.
Để tăng hiệu quả BVR&PCCCR, cùng với việc chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức người dân, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng liên ngành huyện An Lão, UBND xã An Toàn và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, truy quét BVR, nhất là vùng rừng giáp ranh xã Bok Tới, Đắk Mang (huyện Hoài Ân); huyện Vĩnh Thạnh; Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai)… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ông Nguyễn Hùng Nam cho biết: Cuối năm 2019, đơn vị được tỉnh hỗ trợ kinh phí trồng thử nghiệm gần 30.000 cây hà thủ ô, đến nay cây phát triển ổn định. Mô hình thành công sẽ được nhân rộng cho người dân trên địa bàn thực hiện để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con. Trong tương lai, An Toàn được đầu tư phát triển du lịch. Đơn vị cũng chú trọng giới thiệu và tổ chức du lịch sinh thái trên hệ sinh thái rừng và thôn làng trong khu bảo tồn, nhằm tăng thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho khu bảo tồn.
Bài, ảnh: ÐOÀN NGỌC NHUẬN