“Quy hoạch giao thông phải mang tính đột phá trong những năm tới”
Quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải sẽ từng bước đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc được đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Liên quan tới việc thực hiện tích hợp 5 quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết quy hoạch giao thông phải mang tính đột phá trong những năm tới. Do đó, những công trình dự án được đầu tư phải có tính liên kết, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, từng bước giải quyết cho những vùng khác.
Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, ngành giao thông đã có những bước phát triển đột phá trong thời gian qua. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế đã được đầu tư xây dựng, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được nâng lên đáng kể (xếp hạng năng lực và chất lượng hạ tầng tăng từ 95/144 năm 2011 lên 67/137 năm 2019) góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, mục tiêu chung của 5 quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia từng bước đồng bộ, một số công trình hiện đại, chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông...
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hệ thống giao thông đáp ứng được nhu cầu vận tải với tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 6,82%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 10,46 tỷ khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,33%/năm…
Định hướng quy hoạch kết nối hạ tầng giao thông đến năm 2050, trong 5 phương thức vận tải, đường bộ mang tính chất linh hoạt và phải chủ động nhất trong việc kết nối tới các phương thức vận tải khác. Cảng biển và cảng hàng không có những yêu cầu đặc biệt về vị trí, quy mô nên sẽ là phương thức thụ động trong kết nối, được ưu tiên xác định vị trí và yêu cầu đối với các phương thức còn lại phải chủ động kết nối. Đường thủy nội địa có lợi thế tự nhiên trong kết nối với cảng biển, đóng vai trò hỗ trợ đường bộ trong việc thu gom và giải tỏa hàng hóa tại cảng biển.
Ngoài ra, ngành giao thông cũng đề xuất từng bước đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với các loại hình giao thông; xem xét kết nối bằng đường sắt chuyên dung từ các cảng biển, thủy nội địa, Cảng cạn và trung tâm logistics trên các hành lang vận tải chính với mạng lưới đường sắt quốc gia.
Tại cuộc họp về 5 quy hoạch ngành giao thông vào ngày 13.4 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phải tập trung đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng tốt nhất để trình Hội đồng thẩm định Quốc gia trong tháng Tư này.
Bộ trưởng chỉ đạo các cục quản lý chuyên ngành, đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể nhu cầu phát triển hài hòa các loại hình vận tải với quan điểm là khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, ưu tiên bổ sung những công trình dự án kết nối để khai thác hiệu quả hệ thống 5 lĩnh vực giao thông và những công trình, dự án cấp bách. Ngoài ra, cần có các dự án ưu tiên đầu tư, giải pháp về vốn, huy động nguồn lực nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông các khu vực, lộ trình thực hiện, hiệu quả kinh tế-xã hội của từng lĩnh vực mang lại…
Theo Việt Hùng (Vietnam+)