Niềm vui được mùa
Vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021, toàn tỉnh sản xuất trên 47.700 ha lúa. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, chuột và sâu bệnh phát sinh dày đặc, nhưng nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nên năng suất lúa đạt khoảng 70,9 tạ/ha, cao hơn 0,5 tạ/ha so với vụ này năm trước.
Vượt khó
Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, nhưng ngay đầu vụ đã gặp rét đậm kéo dài và bệnh vàng lá, ốc bươu vàng phát sinh gây hại, khiến nhiều diện tích lúa bị chết, nông dân mất nhiều công sức tỉa dặm và phòng trừ sâu bệnh. Đến giai đoạn lúa chắc xanh và vào giai đoạn chín - giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng của vụ lúa chính trong năm - rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn liên tục phát sinh; các đối tượng này đặc biệt phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng ấm, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn.
Trước khi vào vụ thu hoạch lúa, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình) đã tổ chức cho nông dân xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước tham quan thực tế, để cùng đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa giống theo chuỗi liên kết.
Riêng tại huyện Tuy Phước, rầy nâu và rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây hại cục bộ 100 ha lúa chủ yếu trên chân đất sản xuất 2 vụ/năm tại các xã: Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa, Phước An... Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh và huyện Tuy Phước đã nhanh chóng khoanh vùng diện tích bị nhiễm rầy, đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ dịch bệnh và bón phân cho lúa theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Các tổ, đội bảo vệ thực vật của các HTXNN: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Lộc, Phước Quang, Phước Thắng đồng loạt ra quân cùng với nông dân địa phương nhanh chóng diệt trừ rầy nâu, đảm bảo lúa phát triển tốt.
Trò chuyện với chúng tôi ngay tại ruộng lúa của mình, ông Phạm Luân Lộc, ở thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, cho biết: “Khoảng 1 tháng trước, đồng lúa Hữu Thành nhiễm rầy khá nặng. Theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện, tôi vạt lúa ra thành từng luống, chiều mát phun thuốc bảo vệ thực vật dưới gốc. Qua 2 lần phun, hầu như đã diệt hết rầy nâu trong ruộng lúa. Tầm từ 5 ngày nữa, tôi có thể thu hoạch 4,8 sào lúa ĐV 108, dự kiến năng suất đạt 400 kg/sào”.
Công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa Đông Xuân cũng được ngành chức năng và nông dân huyện Phù Cát, Tây Sơn, TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao. Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT), cho hay: Nhờ dự báo chính xác thời điểm cụ thể các loại sâu bệnh phát sinh và chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, nên chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh ta đã khống chế được bệnh rầy nâu và đạo ôn phát sinh trên diện tích 240 ha tại TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn, giảm đến mức tối đa ảnh hưởng của sâu rầy tới sinh trưởng của cây lúa, năng suất thu hoạch.
Đất không phụ công người
Hiện nông dân các địa phương trong tỉnh đang triển khai thu hoạch những diện tích lúa vụ Đông Xuân sản xuất trên chân đất 3 vụ/năm với niềm vui được mùa. Nhẩm đếm xong những bao lúa vừa chất lên xe tải, ông Lê Văn Thừa, ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát tươi cười: “Tất thảy được hơn 30 bao, vị chi mỗi sào đạt gần 400 kg, cao hơn 50 kg so với vụ này năm trước. Hiện giá thóc đang khá cao, nên thu nhập cũng tăng đáng kể. Quả là đất không phụ công người”.
Nông dân huyện Phù Cát thu hoạch lúa Đông Xuân.
Niềm vui được mùa lan tỏa khắp mọi nơi trong tỉnh. Bà Trần Thị Xuân, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước khoe: “Tôi mới thu hoạch xong 3 sào lúa giống BC 15, bình quân mỗi sào thu được hơn 370 kg, sản phẩm được DN mua với giá cao hơn giá thóc thịt khá nhiều, nên tôi vui lắm!”.
Đáng chú ý là có 8 HTXNN tại TX An Nhơn và huyện Tuy Phước đã liên kết với các DN thực hiện 8 dự án cánh đồng sản xuất lúa giống trên diện tích 1.000 ha theo chuỗi liên kết trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm. Phần lớn DN cho nông dân mượn lúa giống gốc, phối hợp với các HTX hướng dẫn kỹ thuật đầu tư, chăm sóc, nên đã giảm hẳn tình trạng sâu bệnh gây hại, lúa phát triển tốt, nhờ đó giảm được chi phí đầu tư đặc biệt ở khâu phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng, bảo vệ thực vật. Hơn nữa DN còn mua sản phẩm của bà con với mức khá tốt, tạo động lực cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất.
TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Những năm gần đây, điều đáng mừng là các địa phương trong tỉnh rất tích cực quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với liên kết chuỗi; các cán bộ, chuyên gia kỹ thuật, đặc biệt của ngành Khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở cũng hăng hái xuống đồng, gắn bó với nông dân. Chính nhờ vậy, dù thời tiết diễn biến cực đoan, rét đậm, nắng hạn, mưa lũ xảy ra bất thường, sâu bệnh phát sinh dày, nhưng tỉnh ta liên tục được mùa. Riêng vụ Đông Xuân, dự kiến năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 70,9 tạ/ha, cao hơn vụ này năm trước 0,5 tạ/ha”.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ