MÔ HÌNH DÒNG HỌ, KHU DÂN CƯ KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT:
Tuyên truyền chấp hành pháp luật hiệu quả
Bằng việc tham gia vào mô hình dòng họ, khu dân cư không vi phạm pháp luật, mỗi người dân có trách nhiệm hơn trong tu dưỡng bản thân, nhắc nhở gia đình sống gương mẫu, tích cực đóng góp vào công tác giữ gìn ANTT, phòng ngừa tội phạm ở địa phương.
Nhiều mô hình phát huy tác dụng
Ra đời từ năm 1990, mô hình họ Võ (thôn An Lợi, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) không có người vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội được xem là mô hình lâu năm còn duy trì hiệu quả ở địa phương. Ông Võ Xuân Hùng, đại diện họ, kể: Cuối năm 1990, ngay ở lần đầu tiên khánh thành từ đường, có rất đông bà con họ hàng khắp cả nước tụ hội về. Câu chuyện giáo dục con cháu sống thượng tôn pháp luật được đặt ra và nhận được sự đồng tình của các thành viên. Theo đó, yêu cầu chăm sóc, dạy dỗ hiệu quả để con cháu không phạm pháp, hư hỏng được đặt lên hàng đầu, trước cả chủ đề khuyến học, với tinh thần “thành nhân trước thành tài, thành công”.
Trong vai trò trưởng họ, khởi xướng mô hình, ông Võ Xuân Hùng (thứ 2, bên phải) rất chú trọng giáo dục pháp luật cho các thế hệ trong dòng họ.
Ông Võ Đình Ba, thôn phó, nguyên CA xã, cho biết: Thời điểm đó, ngành CA chưa có các mô hình tự phòng, tự quản về pháp luật, do vậy, ý tưởng và tâm huyết của họ Võ rất mới mẻ, được chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao. “Đã 30 năm từ khi khởi xướng việc vận động, giáo dục người trong dòng họ sống tuân thủ luật pháp vẫn phát huy hiệu quả với không chỉ trong dòng họ mà còn lan tỏa sang người dân địa phương”, ông Ba nhấn mạnh.
Một thành viên của dòng họ - anh Võ Xuân Hoàng cho hay: Bà con ở thôn có 30 hộ (khoảng 100 người), trong cả nước có 200 hộ (trên 500 người), đều tham gia thực hiện mô hình với niềm tự hào, trách nhiệm chung. “Tuy đã thẩm thấu ở từng nhà, song ngày tế hiệp hằng năm hay mỗi dịp dòng họ đoàn tụ, câu chuyện sống tuân thủ luật pháp, gương mẫu, là người có ích cho xã hội… lại được “hâm nóng”. Mỗi gia đình tự giác báo cáo về kết quả thực hiện, qua theo dõi từ khi thành lập đến nay cả họ chưa có người nào vi phạm pháp luật”, anh Hoàng cho biết.
Cũng tại Phước Thắng còn có mô hình họ Lê Công ở thôn Khuông Bình, duy trì hơn 10 năm. Trưởng thôn Phạm Ngọc Bích cho biết, đây là họ đông người nhất ở thôn, có truyền thống đoàn kết. Mô hình ra đời càng tạo điều kiện tập hợp, phát huy được nét đẹp gắn bó, trách nhiệm tự giác của các thành viên tham gia vào những việc chung của thôn, nhất là trong công tác ANTT, phòng ngừa tội phạm.“Từ khi tổ chức mô hình đến nay, họ luôn đảm bảo 100% hộ đăng ký tham gia và chưa để xảy ra trường hợp phạm pháp hay mắc tệ nạn xã hội”, trưởng họ Lê Công Khánh cho biết.
Nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật
Tại xã Hoài Phú, TX Hoài Nhơn, mô hình Khu dân cư bình yên - thôn Mỹ Bình 1 đã được nhận bằng khen của tỉnh năm 2020 về mô hình tự quản xuất sắc về ANTT ở cơ sở. Triển khai vào tháng 9.2018, mô hình có thuận lợi bước đầu khi 100% cán bộ, 90% hộ dân đăng ký thực hiện các nội dung cụ thể, như: không để người thân trong gia đình có các hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình; tích cực tham gia phòng, chống cháy nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... Các hoạt động chính là tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nắm danh sách thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, có nguy cơ bỏ học để kịp thời cảm hóa, hỗ trợ; sâu sát tình hình nội bộ khu dân cư, từng hộ gia đình để kịp thời phát hiện, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở… “Thông qua mô hình, hiệu quả xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT, đoàn kết và văn hóa chuyển biến tích cực. Từ hiệu quả thực tế, sau 2 năm làm điểm, mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã”, chị Mạc Thị Thanh Tình, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Mỹ Bình 1, phụ trách mô hình cho biết.
Tương tự, mô hình Gia đình, họ đạo, khu dân cư không có tội phạm - thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) do CA huyện xây dựng làm điểm, sau 5 năm đã “phủ” 5/7 thôn. Nhiều người dân có cùng nhận xét, nhờ có mô hình, ANTT địa phương được đảm bảo hơn, bà con phấn khởi, càng ủng hộ mô hình. “Tờ giấy đăng ký tham gia mô hình tuy đơn giản nhưng đó là lời cam kết, tự nhắc nhở của mỗi người dân, gia đình phải tuân thủ pháp luật”, anh Hồ Hữu Đạo, một người dân trong thôn tham gia mô hình từ đầu, chia sẻ.
Có thể thấy, điểm chung, nổi bật ở các mô hình trên là đều phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc nuôi dưỡng đạo đức, giáo dục pháp luật, quản lý, bảo vệ, hỗ trợ con em, người thân, cộng đồng trước các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Bằng việc tham gia vào mô hình, mỗi người cảm thấy có trách nhiệm hơn trong tu dưỡng bản thân, nhắc nhở gia đình sống gương mẫu, góp sức xây dựng, giữ gìn sự bình yên ở địa phương. Nhận thức đó như “lá chắn” khiến tệ nạn xã hội khó len lỏi, xâm nhập vào. Hiệu quả hoạt động của các mô hình góp phần thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo CA tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng thành công 138 mô hình về ANTT với gần 1.000 cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ở cơ sở.
Bài, ảnh: SAO LY