Vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021: Thắng lợi toàn diện
Trước vụ sản xuất Đông Xuân 2020 - 2021, nhận định chung của các chuyên gia là sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nước tưới và các diễn biến cực đoan của thời tiết. Nhưng nhờ các cấp lãnh đạo Đảng - chính quyền và ngành NN&PTNT sâu sát thực tế, chỉ đạo kịp thời, nhất là trong chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, tỉnh ta đã giành được một vụ sản xuất thắng lợi toàn diện.
Nông dân phấn khởi
Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, toàn huyện Phù Cát sản xuất 7.048 ha lúa, đạt 100,2% kế hoạch; đồng thời sản xuất 3.664 ha đậu phụng, 81 ha bắp lai, 2.500 ha mì, 165 ha hành, 576 ha ớt, 397 ha dưa hấu và một số cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết: Nhờ tập trung chỉ đạo sản xuất đúng lịch thời vụ, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, các mô hình khuyến nông tiếp tục được triển khai, nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc nên các loại cây trồng đều phát triển ổn định, cho năng suất cao. Cụ thể, năng suất lúa đạt 67,7 tạ/ha, đậu phụng đạt 41,9 tạ/ha, bắp đạt 67 tạ/ha, cây hành đạt 82 tạ/ha. Nói chung tất cả các loại cây trồng đều cho năng suất khá, cao hơn năm trước, cộng vào đó nhờ hầu hết các loại nông sản đều được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Tham quan mô hình sản xuất giống lúa mới tại thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Trong vụ sản xuất này, Phù Cát thực hiện 35 cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng liên kết sản xuất lúa, đậu phụng, với tổng diện tích 1.774 ha. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý điều hành, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, sử dụng giống mới nên không chỉ năng suất tăng cao mà phẩm cấp nông sản cũng được cải thiện rõ rệt.
Huyện Tây Sơn cũng có niềm vui được mùa tương tự như Phù Cát, ông Trần Văn Lượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn chia sẻ: Ước tính năng suất lúa Đông Xuân ở Tây Sơn đạt hơn 72 tạ/ha, cao hơn năm ngoái khoảng 0,5 tạ/ha. Thắng lợi này bắt nguồn từ việc huyện quyết liệt đưa vào sử dụng một số giống lúa mới nhiều ưu điểm về chất lượng, sản lượng. Ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo sâu sát về diễn biến tình hình sâu bệnh hại, hỗ trợ nông dân ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT vào canh tác, phòng trừ dịch bệnh chu đáo không để các loại dịch hại như rầy, đạo ôn bùng phát, lan rộng; hễ phát hiện là khoanh vùng, làm sạch ngay.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Thượng Giang, xã Tây Giang cho hay: Vụ Đông Xuân năm nay, HTX Thượng Giang sản xuất 140 ha lúa với 2 giống chủ lực là Hà Phát 3 và Khang Dân đột biến. Năng suất thu hoạch năm nay cao hơn hẳn so với các năm trước. Bình quân đạt hơn 72 tạ/ha, hơn năm ngoái khoảng 5 tạ/ha.
Ở các xã phía Bắc sông Côn như xã Tây Vinh năng suất lúa vọt lên tới 81,5 tạ/ha. Đặc biệt nhiều nông hộ sử dụng giống lúa lai chất lượng cao như Nhị Ưu 838, BTR1, Q5… áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, năng suất thu hoạch vọt lên tới 85 tạ/ha.
Vai trò tích cực của KHKT và cán bộ khuyến nông
Một điểm đáng lưu ý là để ứng phó với thời tiết bất thường, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, chọn tìm giống tốt, phù hợp chân đất để định hướng cho dân, động viên người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đặc biệt thành công trong sản xuất có đóng góp rất lớn của tiến trình này, trong đó vai trò, đóng góp của cán bộ nông nghiệp là rất lớn.
Huyện Phù Cát đã chuyển 430 ha đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng cạn như: Đậu phụng, hành, ớt, dưa hấu (gần 102% kế hoạch và tăng 44 ha so với cùng kỳ năm ngoái). Đồng thời chuyển 1.055 ha đất thuần trồng my sang trồng đậu phụng xen canh mì. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 - 3 lần so với trước đó, vừa góp phần tăng giá trị sản xuất, vừa tiết kiệm tài nguyên nước, lại góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, đưa sản xuất đi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Ở huyện Tây Sơn, ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, chia sẻ: “Năm nay, chính quyền xã hỗ trợ 100% giống lúa thuần Hà Phát 3 để nông dân sản xuất gần 100 ha chân ruộng hưởng nước từ hồ Thủ Thiện. Giống tốt, sản xuất đồng loạt theo vùng, chăm sóc đúng kỹ thuật, lại có cán bộ khuyến nông lội ruộng hỗ trợ nông dân nên năng suất bình quân đạt rất cao - 80 tạ/ha. Bà con nông dân vui mà chúng tôi cũng hết sức mừng!”.
Hiệu quả kinh tế vượt trội khi sử dụng giống lúa mới, phẩm cấp cao, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn trong điều kiện thiếu nước tưới, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT và phát huy vai trò của cán bộ khuyến nông là những điểm sáng trong vụ Đông Xuân năm nay. Thực tế ở huyện An Lão là một điển hình thuyết phục. Năm nay dù gặp nhiều khó khăn nhưng diện tích lúa Đông Xuân mà huyện miền núi này có được vẫn đạt con số ấn tượng - 10.034,4 ha (đạt 97% kế hoạch), trong đó đáng chú ý diện tích canh tác sử dụng giống lúa lai đạt mức 845,7 ha; năng suất bình quân ước đạt 65,5 tạ/ha (103,6% kế hoạch). Tất cả các loại cây trồng cạn như đậu phụng, bắp, mì đều đạt diện tích vượt mức kế hoạch đặt ra. Nhưng ấn tượng nhất là diện tích rau các loại 64,5 ha, đạt tới 322,5% so với kế hoạch huyện đề ra.
*Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện Tuy Phước gieo trồng hơn 9.000 ha, trong đó diện tích lúa hơn 6.600 ha, giảm 0,45% so cùng kỳ; năng suất bình quân ước đạt 75,2 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với năm ngoái. Diện tích cây trồng cạn như bắp, đậu phụng, rau các loại gần 1.500 ha, tăng 2,83% so với năm ngoái.
T. HÙNG
*TX An Nhơn gieo trồng 8.571 ha vụ Đông Xuân, trong đó cây lúa hơn 6.869 ha, đạt 100,3% kế hoạch, năng suất lúa ước đạt 71,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ so với cùng kỳnăm trước; cây bắp 62,5 tạ/ha; cây đậu phụng 24,4 tạ/ha; rau các loại 152,2 tạ/ha...
T. MINH
*Bên cạnh niềm vui lúa đạt năng suất tốt, hiện tại giá lúa cũng ở mức khá cao, dao động từ 8.000 đồng đến 8.500 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/kg. Với mức giá này người trồng lúa có lãi từ 3 - 4 triệu đồng/sào.
M. MIÊN
TRƯỜNG GIANG - MỘC MIÊN - HỮU BÁ