Hội Người mù tỉnh chăm lo đời sống hội viên
Sáng 16.4, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17.4) và ngày Người khuyết tật Việt Nam (18.4). Cùng với sự phát triển của Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh luôn năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động và trở thành điểm tựa để hội viên vươn lên.
Bắc “nhịp cầu” để người mù hòa nhập xã hội
Từ những ngày đầu thành lập (năm 2009), Hội Người mù tỉnh rất coi trọng việc dạy chữ Braille cho hội viên và tạo mọi thuận lợi để trẻ em mù đến trường phổ thông. Bao khó khăn, vất vả phải đối mặt do chính sự tự ti, tuyệt vọng của người mù và sự lo lắng của người thân trong gia đình họ đã không làm cán bộ Hội nản lòng, bỏ cuộc. Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Hùng Thanh cho rằng, đã là người mù thì càng phải biết chữ, càng phải học nhiều để chỉ “mù mắt chứ không mù chữ, mù hiểu biết, mù nghề”. Ngồi nhắc chuyện mình đã “ương bướng” không chịu học chữ braille vì nghĩ mọi cánh cửa đến tương lai đã đóng sập sau vụ tai nạn hóa chất, anh Nguyễn Phan Đình Việt, ở thôn Hữu Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) nói rất nhiều lời tri ân đến cán bộ Hội Người mù tỉnh. “Họ động viên tôi rằng, người mù vẫn có thể học tập, lao động, sống có ích. Trái ngược với sự rụt rè của tôi là sự nhiệt tình, ân cần của các anh chị cán bộ Hội. Tôi học chữ Braille và lại đọc sách, báo như trước khi bị tai nạn, mù mắt. Tủ sách của Hội có rất nhiều đầu sách để tôi nâng cao kiến thức, học tập theo những tấm gương người mù vượt khó vươn lên. Tôi còn sử dụng chữ Braille để ghi chép các kỹ thuật, huyệt đạo khi học nghề massage tại Hội. Hội còn mở lớp dạy cách sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để tôi và nhiều hội viên khác có thêm phương tiện giao tiếp, tiệm cận với thế giới sáng”, anh Việt trò chuyện.
Lớp học cắm hoa do Hội Người mù tỉnh tổ chức đã giúp nhiều chị em thỏa mơ ước được cắm lọ hoa trang trí nhà cửa dịp lễ, Tết.
Tính đến nay, Hội Người mù tỉnh đã mở 5 lớp dạy chữ Braille và nâng cao kỹ năng sống cho người mù, 2 lớp tập huấn hướng dẫn người mù sử dụng điện thoại thông minh với 30 học viên (học xong, mỗi học viên được cấp 1 điện thoại thông minh để sử dụng). Hội cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh tổ chức 9 lớp dạy nghề, đào tạo hơn 100 học viên các nghề: Massage, làm chổi đót, chổi quét mạng nhện, kết hạt cườm…; đồng thời, gửi hơn 55 hội viên theo học nghề tại Trung ương Hội và một số tỉnh, thành bạn. Sau khi học nghề, đa phần hội viên đều tìm được việc làm, có thu nhập.
Để giúp người mù vượt khó khăn, ổn định cuộc sống, có vốn phát triển kinh tế gia đình, Hội Người mù tỉnh đã vận động nhiều nguồn lực trong xã hội tặng tiền, quà, trao tặng nhà tình thương, sửa chữa nhà ở và cấp vốn vay thuộc “Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm” do Trung ương Hội phân bổ. Nhờ đó, nhiều người mù đã vượt qua nghịch cảnh cuộc đời, vươn lên, ổn định cuộc sống. Qua kiểm tra, đánh giá hằng năm, 100% người mù đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, phát triển bền vững, trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho Nhà nước, không có nợ quá hạn.
Thắp sáng niềm tin yêu cuộc sống
Toàn tỉnh hiện có 1.258 người mù, trong đó 559 người đã đăng ký vào Hội Người mù tỉnh. Đến nay, đã có hai địa phương quan tâm thành lập Hội là huyện Tuy Phước và TX Hoài Nhơn. Với những địa phương còn lại, Hội phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên, người nhà của người mù trong triển khai, thực hiện các hoạt động. Nhờ đó, nhiều năm qua, mọi hoạt động của Hội đều đến từng hội viên và người mù trong tỉnh, tạo niềm tin yêu vào cuộc sống trong họ. Gặp hai cha con em Nguyễn Lâm Tâm Như (quê TX An Nhơn, được Hội Người mù tỉnh giới thiệu học phổ thông tại Trung tâm Bảo trợ Khiếm thị Nhật Hồng - TP Hồ Chí Minh) tại Quy Nhơn, nghe người cha là anh Nguyễn Văn Mười trò chuyện đầy tự hào về cô con gái có số phận không may mắn của mình. “Con gái tôi sinh ra mắt đã mờ, học hết lớp 5 ở trường phổ thông thì không còn nhìn thấy gì. Bỏ ngoài tai những lời “bàn ra”, tôi quyết định cho con vào TP Hồ Chí Minh học tập. Kết quả trong những năm qua càng làm tôi và con tin tưởng nhiều hơn vào Hội”, anh Mười cười tươi, chia sẻ.
Chiều 13.4, cô Dương Thị Hồng Dung ở TP Quy Nhơn ngồi tại nhà mình ở hẻm đường Trần Hưng Đạo kết cườm những hình trái tim thật đẹp. Cô bảo, 6 năm theo nghề này, khách hàng ưa chuộng đặt hàng nhiều dần, cô rủ thêm một vài chị em từng học lớp kết cườm do Hội Người mù tỉnh tổ chức đến cùng làm. “Lọ hoa tươi trên bàn, rồi chiếc áo dài treo trong tủ, cây gậy ở góc nhà, cả chiếc điện thoại thông minh này đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui, sự tiện nghi, thoải mái trong cuộc sống. Tất cả đều nhờ Hội Người mù tỉnh dạy cắm hoa, vận động nhà hảo tâm tặng áo dài, gậy, điện thoại”, cô Dung tâm sự.
Những ngày này, anh Bùi Minh Ngọc, Chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt người khiếm thị Ngọc Diệu (phường Bình Định, TX An Nhơn) bàn tính với vợ chuyện sửa sang căn nhà riêng hơn 200 m2 ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu mà hai vợ chồng đã mua từ tiền tiết kiệm. “Thời gian đầu mới lập gia đình, hai vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn, Hội Người mù tỉnh đã vận động nhiều nguồn lực tặng tiền, quà, giúp chúng tôi vượt khó, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, Hội còn thường xuyên mở lớp học, tạo điều kiện để người mù chúng tôi tiếp cận kiến thức xã hội, nâng cao hơn nữa trình độ, hiểu biết và chuyên môn sâu về nghề nghiệp”, anh Ngọc chia sẻ.
Bài, ảnh: NGỌC TÚ