Tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và đảm bảo sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí tại các nút giao thông khu đô thị, dân cư trên địa bàn tỉnh so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh - QCVN 05:2013/BTNMT, cho thấy, môi trường không khí trên địa bàn tỉnh chịu tác động 2 chỉ tiêu ô nhiễm chính là bụi và tiếng ồn; điều đáng mừng các chỉ tiêu ô nhiễm còn lại: SO2, CO, NO2 đều thấp hơn QCVN. Trong các điểm quan trắc, có 2 điểm tại vị trí ngã ba Đống Đa, TP Quy Nhơn và ngã ba Cầu Gành, huyện Tuy Phước có chỉ tiêu bụi và tiếng ồn vượt QCVN, đây là những nơi có lưu lượng xe qua lại rất cao.
Điểm quan trắc không khí tại vị trí ngã ba Đống Đa, TP Quy Nhơn.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh - năm 2019, tại ngã ba Đống Đa, TP Quy Nhơn, quan trắc tổng bụi lơ lửng (TSP) trong không khí lên tới 0,57 mg/m3, vượt QCVN - trung bình 1 giờ 0,3 mg/m3. Khu vực này vốn là một liên công trường lớn, năm 2019 là thời điểm thi công cấp tập, việc chỉ số TSP lên cao khá dễ hiểu. Sang năm 2020, khi việc thi công hoàn tất, chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng cho phép chỉ còn 0,22 mg/m3.
Còn tại ngã ba Cầu Gành, chỉ số TSP trong không khí năm 2019 là 0,39 mg/m3 và năm 2020 lên tới 0,61 mg/m3, cả 2 năm đều vượt QCVN - trung bình 1 giờ 0,3 mg/ m3. So với giai đoạn 2010 - 2015, kết quả quan trắc tại các vị trí đều nằm trong QCVN, trong khi đó giai đoạn 2016 - 2020 kết quả quan trắc tại các vị trí có năm vượt QCVN, ngoại trừ vị trí ngã ba QL 19 giao với QL 19B (huyện Tây Sơn) nằm trong QCVN, TSP trong không khí năm 2019 là 0,19 mg/m3 và năm 2020 là 0,23 mg/m3. Kết quả quan trắc cho thấy số liệu quan trắc phù hợp với thực tế, chất lượng môi trường không khí chịu tác động của mật độ giao thông, hoạt động xây dựng gia tăng.
Còn diễn biến chất lượng môi trường không khí trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề trên địa bàn tỉnh về chỉ tiêu bụi tại CCN Trường Thịnh (Bình Hòa, huyện Tây Sơn) có năm vượt QCVN, TSP trong không khí năm 2019 là 0,38 mg/m3 và năm 2020 là 0,12 mg/m3. Các vị trí quan trắc còn lại, như: CCN Gò Đá Trắng (phường Đập Đá, TX An Nhơn), CCN Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), CCN Tam Quan (phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn, làng nghề chế biến tinh bột mì Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn)... đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN.
Về mức độ ô nhiễm tiếng ồn trong không khí năm 2020, hầu hết những vị trí quan trắc có thông số tiếng ồn nằm trong ngưỡng cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/ BTNMT; tại khu vực thông thường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ). Tuy nhiên, có một số vị trí có thông số tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép đều nằm tại khu vực khai thác đá, khu vực đông dân cư, đường quốc lộ có mật độ giao thông cao. Cụ thể, ô nhiễm tiếng ồn trong không khí năm 2020, tại ngã ba Đống Đa (TP Quy Nhơn) là 72,5 dBA; ngã ba Phú Tài (TP Quy Nhơn) là 75 dBA; ngã ba cầu Gành (huyện Tuy Phước) là 73 dBA...
Bà Phan Thị Bích Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN), cho hay: Trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT và các đơn vị chuyên môn khác, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ưu tiên và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải. Ứng dụng khoa học công nghệ và thông tin trong quản lý, quan trắc tự động môi trường không khí.
Với nỗ lực kiểm soát tình hình chi tiết hơn, bảo vệ những chỉ số tích cực, khắc phục những chỉ số vượt giới hạn, năm 2020 việc quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh được Sở TN&MT tổ chức chặt chẽ, phân bố rộng rãi hơn - lên tới 33 điểm quan trắc, bao gồm các KCN, CCN, làng nghề, khu dân cư, khu vực bãi rác... Bà Hà Thị Thanh Hương cho hay: “Sở TN&MT đang lập Dự án đầu tư trang bị các thiết bị đo bụi mịn PM10 và PM2.5. Sở cũng yêu cầu các KCN, CCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có lưu lượng khí thải lớn phải lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, đây là giải pháp mới triển khai để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải. Giai đoạn từ năm 2021 - 2030, Sở tập trung ưu tiên đầu tư 6 trạm quan trắc môi trường tự động; trong đó: 2 trạm quan trắc tự động môi trường không khí tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước; 2 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt tại sông Côn và sông Hà Thanh; 1 trạm quan trắc tự động môi trường nước ngầm tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) và 1 trạm quan trắc tự động môi trường nước biển tại TP Quy Nhơn”.
Môi trường trong lành là một dạng tài nguyên quý giá
“Môi trường trong lành tự nó đã là một dạng tài nguyên quý giá. Khi môi trường của Bình Định còn tốt ta nên tích cực kiểm soát, giám sát thật tốt để giữ gìn và phát huy. Để giữ gìn ta nên kiểm soát tốt, ví dụ khi thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng, phương tiện vận chuyển phải được che chắn tốt; cơ sở sản xuất công nghiệp phải xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Tỉnh Bình Định, đặc biệt là ở TP Quy Nhơn hiện có rất nhiều công viên, cây xanh nhưng ta vẫn nên trồng thêm cây xanh để tạo bầu không khí trong lành, tăng khả năng hấp thụ khí CO2 và các chất khí độc hại”.
PGS.TS LƯƠNG THỊ VÂN, nguyên Trưởng Khoa Địa lý - Địa chính, Trường ĐH Quy Nhơn
ĐÌNH PHƯƠNG