Từ những đồng vọng quê nhà...
Trần Quốc Toàn (SN 1992, quê ở Tuy Phước, ảnh) là một trong những tác giả trẻ của Bình Định. Sáng tác của Toàn xuất hiện đều trên nhiều báo, tạp chí văn chương uy tín như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Bình Định, Sông Hương… Anh tỏ ra khá đa năng khi đều tay cả thơ và văn xuôi. Nhưng nổi bật hơn cả ở anh vẫn là mảng thơ với nhiều sáng tạo, tìm tòi trong ngôn ngữ, hình ảnh biểu đạt. Thơ Toàn có chất riêng - nét riêng, đặc biệt khi anh viết về quê nhà giản dị mộc mạc pha màu sắc hiện sinh; hơn thế nữa anh còn dành cho đề tài này riêng một mảng lớn.
1. Toàn bộc bạch: “Từ những đêm ngoại thức kể chuyện cổ dân gian, đọc vanh vách thơ Nguyễn Du, truyện Thạch Sanh... những câu chuyện ấy như kéo tôi về một không gian khác và hay có những thơ thẩn tưởng tượng. Có lẽ gần gũi với ông bà ngoại từ nhỏ nên tôi ảnh hưởng đạo Phật từ bà ngoại, đạo Nho từ ông ngoại. Và dấu ấn quê nhà cứ thế lớn dần lên theo năm tháng. Những điều ấy về sau, như một lẽ tự nhiên đã đi vào trong sáng tác của tôi”.
Vậy rồi, Toàn đọc tôi nghe một đoạn trong bài thơ Kinh đêm mà anh viết, dấu vết của thời gian, những mộng tưởng, gợi ngẫm về cuộc sống đồng đất quê nhà hiện lên như một bức tranh. Mà điều đặc biệt là ở đó, tự thẳm sâu những hình ảnh dường như đang khoát lên mình vẻ u hoài kia lại chứa đựng trong nó những mầm non bắt đầu quẫy đạp lặng lẽ vươn lên:“Người đi đâu về khuya khoắt lắm/ để quên tiếng nói của mình trên máng xối/ rồi nằm mộng thấy bao điều trống rỗng/ đó là một đêm cuối tháng sáu/ chị tôi gầy hơn những con đường đói khổ/ con chuột kí ức ngồi một mình trên đống hạt đậu/ nỗi đau lách qua cái lỗ phía cuối khu vườn/ nơi đó có ngọn đèn sáp ong đang hắt bóng/ bài ca của lá bắt đầu trổ ngọn/ con dơi du ca treo mình dưới bầu trời đẫm nước/ giọt giọt trong veo”.
2. Quê nhà, là nơi trú ngụ những ký ức ngọt ngào nhất của Toàn. Những ký ức cũ, có thể là hạt lúa đồng làng, là dấu vết đền tháp trong cách nhìn siêu hình, hay dáng dấp mộc mạc người quê trong vẻ đẹp lao động cần cù..., hết thảy hiện diện trong thơ anh trong mạch chảy cảm thức đồng vọng với quê nhà. Như bài thơ Mùa tái sinh, bài thơ giúp Toàn (với bút danh Trần Nguyễn Huyền Nhiên) đạt giải nhất trong cuộc thi thơ 4 câu do Quán Chiêu Văn tổ chức năm 2019. Nét bình an yên ả, những chan chứa yêu thương như gạn lọc đi bao phiền ưu:
Ngược triền sông cũ buổi hôm
Đôi chim sẻ nhặt rạ rơm sân chùa
Ta nghe đồng ruộng nắng mưa
Chuông chiều lay những hạt mùa tái sinh.
3. Với Toàn, việc sáng tác nhiều năm nay đã thành một kỷ luật lao động hằng ngày. Toàn tâm sự: “Tôi viết do thấy cần viết, để trải ra những gì mình suy nghĩ, chắt lọc. Ngay cả khi lập gia đình, có con nhỏ, cuộc sống có nhiều khó khăn tôi vẫn giữ đúng thói quen của mình. Đôi lúc coi làm thơ viết văn tuy thu nhập thấp nhưng cũng đỡ đần phần nào cho gia đình. Hiện tại, tôi có công việc thường xuyên, lương lậu tuy ít nhưng ổn định, lại thấy việc phải viết, phải làm việc như một nhu cầu. Không viết thấy thiếu thiếu cái gì đó, khó ở lắm! Viết với tôi giản dị như người nông phu ra đồng chăm sóc lúa, rau vậy!
Thế mạnh của Toàn trong các sáng tác là so sánh linh hoạt, sắp xếp những hình ảnh trong một trường liên tưởng liền mạch dẫn đến những hình ảnh cuối cùng bất ngờ sáng lên. Ngôn ngữ diễn đạt của Toàn giúp anh khơi dòng cảm xúc mãnh liệt, khiến người đọc dễ cộng hưởng với niềm thăng hoa. Cần mẫn lao động thầm lặng nhiều năm qua, đến nay Toàn đang có 2 bản thảo tập thơ và 1 bản thảo tiểu thuyết. Khi tôi đề cập đến việc xuất bản, Toàn cười: “Nhiều lần tôi đã nghĩ đến chuyện in sách. Rồi lại thôi có lẽ duyên chưa đến. Hiện tại, tôi chỉ muốn tập trung sáng tác, sửa sang những gì đã viết. Sau nhiều năm đi học xa nhà, nguồn cội - xứ sở - con người lại thêm hấp dẫn với nhiều thang âm, hình ảnh, sắc vóc mới, xứ Nẫu của mình mộc mạc nhưng huyền ảo lắm. Và tôi muốn khai thác thêm mảng đề tài này!”.
Trần Quốc Toàn là cây bút trẻ sáng giá đã được trao nhiều giải thưởng văn chương: Năm 2018, anh là một trong hai tác giả ở Bình Ðịnh vào vòng chung khảo cuộc thi Thơ “Tác phẩm đầu tay” năm thứ Năm, do tổ chức bất vụ lợi Du Tử Lê Foundation tổ chức (cuộc thi nhận bản thảo tập thơ 50 bài); giải C (mảng thơ) Cuộc thi Sáng tác văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019; giải Khuyến khích cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung do báo Thanh Niên phát động năm 2020. Và mới nhất, đầu năm 2021, Trần Quốc Toàn đạt giải tư (với chùm thơ Bếp quê, Tổ quốc tôi, Ở phía đông làng) tại Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” do Diễn đàn văn học Quán Chiêu Văn và Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức.
NGÔ PHONG