Chuyện bảng hiệu
Bảng hiệu là phương tiện trực quan sinh động giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giải trí. Trên địa bàn TP Quy Nhơn, bảng hiệu xuất hiện ngày càng nhiều, thể hiện đời sống của người dân ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là một số bảng hiệu còn có những chuyện bất cập.
Hiện có nhiều bảng hiệu sử dụng song ngữ tiếng nước ngoài nhưng lại “trắng” tiếng Việt xuất hiện trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Dạo qua một vòng các trục đường lớn nội thành QuyNhơn, như Ngô Mây, Nguyễn Thị Định, Tăng Bạt Hổ, Trần Hưng Đạo,... không khó để bắt gặp các kiểu đặt tên với cấu trúc: tên tiệm bằng tiếng Việt + shop (cửa hàng), cake (bánh ngọt), bakery (tiệm bánh), tea (tiệm trà), hotel (khách sạn). Hầu hết các cửa hàng kinh doanh sử dụng cách viết bằng tiếng Anh, như: “bridal make up studio” thay vì tiệm chụp hình cưới và trang điểm cô dâu, “nail” thay cho “tiệm làm móng”, “fashion shop” thay cho “cửa hàng thời trang”, “fast food” thay cho “thức ăn nhanh”... Thậm chí, có những cơ sở kinh doanh dùng toàn tiếng Anh trên biển hiệu như “Leo Korean foods and drinks”,... Không chỉ tiếng Anh, các loại ngôn ngữ khác cũng được sử dụng. Những cái tên như Le début, La Jules, La Force, Cuisine de Vin,...
Việc sử dụng tiếng nước ngoài càng phổ biến dẫn đến thực trạng là trên các bảng hiệu tiếng Việt ngày càng ít so với tiếng nước ngoài. Điều này ít nhiều khiến người dân, nhất là người lớn tuổi bối rối trong việc nhận biết ngành hàng kinh doanh của các cơ sở khi có nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Thanh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), bày tỏ: “Thời gian gần đây, khi đi ngang qua các cửa hàng, nếu không nhìn vào các mặt hàng được trưng bày thì tôi sẽ không biết nơi đó bán gì. Trước đây, chỉ cần nhìn lên bảng hiệu thì nhận biết ngay, nhưng bây giờ thì tràn ngập tiếng nước ngoài trên bảng hiệu. Tiếng Việt thì ít mà tiếng Tây thì nhiều, người lớn tuổi như tôi không hiểu được!”
Việc sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh nhằm giúp mở rộng đối tượng tiếp cận là du khách nước ngoài, xúc tiến du lịch thương mại. Tuy nhiên, các cửa hàng kinh doanh cũng cần quan tâm lượng lớn đối tượng khách trong nước chưa rành ngoại ngữ. Hơn nữa, việc thiết kế bảng hiệu, bảng quảng cáo của các cơ sở kinh doanh cần tuân thủ các quy định pháp luật; phải đảm bảo các quy định về vị trí và kích thước của các ngôn ngữ được sử dụng trên bảng hiệu....
Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thể hiện nội dung bằng tiếng Việt, trường hợp sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt.
Bài, ảnh: LINH DƯƠNG