Những mùa khoai sắn
● Tản văn của TRẦN BĂNG KHUÊ
Giữa khuya bất giác nhớ món cơm trắng độn khoai sắn, bắp nếp hầm đậu đen lại thòm thèm kiểu như quá khứ đang hiện ra trước mắt những thước phim quay chậm của tuổi thơ. Rồi bất chợt bâng khuâng nghĩ ngợi thực tế chút rằng, không hẳn khi kể về một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ có nghĩa là người ta chỉ biết đi lùi về phía sau mà chẳng chịu tiến đến phía trước.
Càng trưởng thành, người ta càng nhớ nhiều hơn về những khoảng trời xanh rong ruổi chân đất đầu trần trong mưa trong nắng. Nhớ rồi thương, thương rồi có khi chùng lòng cay cay khoé mắt. Trẻ con thời ấy, lúc đói lúc no nhưng ít băn khoăn lắm, vẫn cứ hồn nhiên, xem những bữa cơm độn khoai độn sắn là cao lương mỹ vị. Đến một thời đoạn đủ đầy hơn một chút thì cơm trắng “một hạt dẻo thơm muôn phần” không còn lẫn lộn với khoai sắn, với đỗ xanh nữa nhưng vẫn thòm thèm. Mỗi lần nấu nồi cơm, lại len lén bốc thêm vài nắm hạt đỗ xanh trộn cùng với gạo trắng.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Nhớ có lần, bữa trưa nắng nôi, ba mẹ về từ công sở lại tất bật bếp núc, sau khi dọn mâm, đơm chén cơm có lẫn hạt đậu xanh, trẻ con thấy sắc mặt ba hình như khó đăm đăm, buồn. Rồi trẻ con bị ba mắng, mà không hiểu nguyên nhân tại sao. Trưởng thành hơn mới biết. Chắc ba bị ám ảnh nhiều về tháng năm dài đói no, nên không muốn nhìn thấy những hạt cơm trắng lấm tấm màu xanh của hạt đỗ (dĩ nhiên, trẻ con sau đó không dám nấu cơm độn khoai sắn thêm lần nào).
Bây giờ chuyện cơm độn khoai sắn ít có khả năng được tái hiện, ngay cả với nhà nghèo, chưa thể đủ đầy. Hôm nào đó, người lớn ở một phương trời xa ngồi ngắm nghía củ khoai lang mọc mầm, chăm chút cho nó trổ mầm trổ mã xinh đẹp lại nghĩ nghĩ về thời đoạn xưa. Có dăm ba ký ức bị thất lạc, được cô em gái thứ nhắc nhở, gọi về khi nhìn thấy củ khoai lang bung mầm nở lá, “hai nhớ không, hồi xưa đi cắt rau cho heo, đào được củ khoai lang mà mặt mày sáng láng reo mừng rạng rỡ”.
Người lớn giật mình, sao lại bị trống mất một khoảng ký ức đáng yêu đến thế? Nhưng, rồi người lớn lại thấy khoé mắt mình cay xè, cổ họng nghèn nghẹn. Thương một khoảng trời xanh đầy những giấc mơ hồn nhiên của mình, của các em, của những đứa trẻ lớn lên trong thời đoạn ấy từ miền xuôi đến miền ngược hay miền trung du nhiều nắng gió hanh hao xao xác nhem nhẻm lấm lem bùn đất, nắng mưa.
Không phải bỗng dưng mà trái tim người lớn chứa chan nhiều đắn đo hoài niệm đến vậy. Nhắc nhớ những mùa xưa, hình ảnh của tháng năm ấy lại ùa ào trở về. Nước mắt có, nụ cười có. Buồn tủi - Đói no đầy đủ. Nhưng dù sao, người lớn cũng cảm ơn khoảng trời riêng - chung này đã khiến những đứa trẻ lớn lên, trưởng thành một cách bản lĩnh hơn khi đối mặt với chông gai ở phía tương lai.
Hôm nào đó trở về xứ sở, người lớn bỗng dưng muốn thử lại món cơm độn khoai độn sắn mà hoài tưởng cả một khoảng ký ức đầy mộng mơ, đầu đội trời chân đạp đất, băng băng xách bao xách túi lội qua xóm, qua vườn còn xanh um cây cỏ cắt mớ lang dại để mẹ đỡ tiền mua rau mớ ba mớ bảy ngoài chợ cho heo. Bầy heo của mẹ những năm tháng đó đã tiếp sức cho biết bao nhiêu đứa trẻ đến trường gom góp tri thức. Ai bảo tuổi thơ lúc đói - lúc no là thiếu hay thừa, trọn vẹn hay không trọn vẹn? Tuổi thơ từ đó mà lớn lên, mà đâm chồi trổ lộc non xanh với đời.