Chợ Tết
Tôi không còn nhớ nổi đã bao mùa Tết không theo mẹ ra cái khoảnh đất vuông vuông cuối xóm. Có lẽ tôi đã đi xa quá tuổi thơ của mình để không còn mặn mà với khoảng trời kỷ niệm ấy?
Những ngày giáp Tết quê tôi thường mưa phùn lây rây cả ngày trời làm con đường đất nâu trở nên ướt nhoẹt. Mẹ gánh hàng rau ra chợ khi trời vừa tảng sáng, màn sương còn giăng trắng xám một thôi đường. Gánh rau tròng trành vai mẹ. Bóng mẹ liêu xiêu, bé nhỏ chìm vào sương như dấn thân đi tìm miền sáng cho cuộc đời.
Chợ Tết thường bắt đầu từ ngày hai mươi sáu tháng Chạp, khi mùa cấy cũng vừa kịp xong. Bà con ở quê gác lại chuyện đồng áng để lo cho cái Tết đủ đầy, tròn vẹn. Giáp Tết, rỗi chân tay hóa thành bận bịu tâm tri, khối óc. Mỗi nhà nhặt nhạnh quả bí, quả bầu, bắp ngô hay củ khoai mang ra chợ bán như một niềm vui nhỏ bé từ “lộc trời” có được sau một năm vất vả. Chợ Tết trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn. Khoảnh chợ bé tẹo nên có bao nhiêu phận người cũng bày ra hết thảy. Những đứa trẻ tay bám áo mẹ mà ánh mắt khao khát cứ rong ruổi theo những chiếc bóng bay hình con sâu, con thỏ… Có bà già nép mình vào một góc, ngồi bán cau, bán trầu, ánh mắt xa xăm của người cũ như đang nhìn về cả một thời quá khứ của cái chợ nghèo này. Niềm vui nhen lên trong ánh mắt. Góc kia là cụ già đang quạt than cho chiếc bánh tráng thơm thơm, quạt vào đó cả mong chờ, hy vọng.
Tôi còn nhớ ngày bé, anh trai tôi thường chở tôi ra chợ bằng chiếc xe nữ cao cao với những đồng tiền lẻ mẹ cho đêm qua còn nắm chặt trong tay. Tôi thích thú chọn cho mình một chiếc bóng bay và ăn bánh cuốn. Bánh cuốn ở quê không nhân nhưng thơm ngon lắm. Sau đó là cuộc dạo chơi khắp chợ. Chợ quê bé tẹo, mà lượn lờ góc này, góc nọ cũng hết một buổi sáng.
Chợ quê ngày xưa, được làm nên từ nhiều túp lều nhỏ. Mái che chỉ là mái kè, mái tranh, xập xệ, úa màu bởi đã qua bao mưa dầu nắng dãi. Hàng bày la liệt dưới đất, có chăng chỉ lót túi ni lông xuống dưới, hay hàng thịt thì có chiếc bàn gỗ cũ. Không như bây giờ, chợ quê đã rộng hơn năm, bảy thước, nên Tết về hiếm khi thấy cảnh người nườm nượp, chen nhau. Những cụ già ngày xưa đi đâu hết. Chỉ còn mẹ tôi ở lại bên gánh rau tròng trành thân phận. Nhìn gánh rau của mẹ, tôi mới thấy bóng dáng chợ Tết ngày xưa, mới thấy con bé thưở nào tung tăng khắp chợ để rồi đi lạc cả buổi chiều mới tìm thấy đường về. Nhìn vào gánh rau của mẹ, tôi thấy tuổi thơ mình trong đó. Và, nhìn gánh rau của mẹ, tôi thấy cả phận nghèo chưa dứt. Bao năm rồi mẹ vẫn mải miết quẩy gánh hàng rau đi tìm vùng sáng cho cuộc đời. Nhà tôi vẫn nghèo như cái nghèo cố hữu.
Giờ tôi đã lớn, thành thiếu nữ xinh đẹp mười tám tuổi. Tôi vào giảng đường đại học, xa nhà, xa quê. Tôi đã lớn lên, từ gánh hàng rau lam lũ của mẹ. Và tôi chợt hiểu ra rằng, dẫu nhà tôi vẫn nghèo, nhưng mẹ đã tìm ra miền sáng cho cuộc đời mình. Và miền sáng ấy: là hiện tại, là tương lai của tôi.
DƯƠNG HẰNG