Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2021)
Đặng Thành Chơn - người con ưu tú của quê hương Hoài Ân
Nhân dân Hoài Ân có truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân nghĩa thủy chung, đoàn kết, dũng cảm, quật cường. Truyền thống ấy được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển nhiều thập kỷ qua. Tiêu biểu cho truyền thống ấy là người con ưu tú Ðặng Thành Chơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh; nguyên Phó ban Ban Dân vận Trung ương, ÐBQH các khóa VI, VII.
Ông Đặng Thành Chơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thân sinh của ông là ông Đặng Dĩ và bà Trần Thị Lẽ ở xóm Bàu Lá, thôn Gia Chiểu, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Ông bà cụ sinh được 7 người con. Cả 7 người cùng chung một chí hướng lật đổ chế độ thực dân, phong kiến giành độc lập, tự do cho đất nước. Ông Đặng Thành Chơn (sau này được bà con, đồng bào, đồng chí gọi bằng cái tên thân mật là ông Tám Lý hay đồng chí Tám Lý) đã được bồi đắp, nuôi dưỡng từ chiếc nôi truyền thống ấy. Nhà nghèo, đông con nhưng ông Tám Lý được cha mẹ cho ăn học. Trước cách mạng tháng Tám, ông là thầy giáo trường tiểu học ở Gia Chiểu, tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc của huyện.
Đường Đặng Thành Chơn ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn. Ảnh: N.V.T
Trong quá trình tham gia cách mạng, ông đảm trách nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước - từ nhiều địa phương đến trung ương, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt. Suốt cả cuộc đời, ông đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc và đã hình thành “một phong cách sống Tám Lý”. Đó là phong cách của người lãnh đạo nghiêm khắc nhưng gần gũi và sâu sát; mạnh mẽ với lý tưởng cách mạng nhưng cũng “bay bổng” với tâm hồn nghệ sĩ. Nhiều cán bộ lãnh đạo cùng thời nể phục ông bởi trình độ tổng kết thực tiễn để nâng lên thành lý luận đấu tranh cách mạng. Trong một bài viết nhà báo Thu Hoài đã viết: “Chính tình yêu nước, yêu đồng bào, ý chí và nghị lực to lớn của anh Tám Lý đã truyền cho cán bộ, chiến sĩ sức mạnh, động viên họ tiến lên. Nhiệt huyết đó giúp anh nắm bắt nhanh chóng quá trình phát triển của chiến tranh, phán đoán và quyết đoán… đi đến những quyết định lãnh đạo đúng đắn… Anh Tám Lý là một trong những gương mặt tiêu biểu về tài năng, đức độ của lãnh đạo tỉnh Bình Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước”.
Ông Đặng Thành Chơn là người rộng rãi, khoáng đạt. Khi làm việc, ông rất nghiêm và quyết đoán; lúc rỗi rãi, đời thường thì vui vẻ, hòa đồng, hài hước. Ông thường kể những chuyện tiếu lâm, góp phần làm tan biến nỗi mệt nhọc, gian khó, căng thẳng của chiến trường ác liệt. Nhà báo Nguyễn Thu Hoài, nguyên Tổng biên tập Báo Quyết Thắng (giai đoạn 1971 - 1975, thuộc Tỉnh ủy Bình Định), trong tập truyện ký “Bình Định những năm tháng chiến tranh” có viết: “Bí thư Tám Lý thường nói chuyện rất say sưa với những cán bộ dưới quyền. Ông có thể trò chuyện suốt những vấn đề về Đảng, về cách mạng…, và cũng bàn về một đêm biểu diễn văn nghệ hoặc thơ ca không biết chán. Thỉnh thoảng ông cao hứng hát đôi câu tẩu mã và kể chuyện tiếu lâm… rất có duyên. Chính vì thế, anh em, đồng chí rất gần gũi. Họ gửi gắm đến ông không chỉ là lý tưởng chung mà còn là những niềm tâm sự của mình”.
Ông Đặng Thành Chơn đã mất cách đây gần 30 năm nhưng hình ảnh của ông sống mãi với thời gian. Tại Kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa X đã công nhận ông là Danh nhân lịch sử của tỉnh và quyết định đặt tên ông cho một đường phố ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn. Ở huyện Hoài Ân, quê hương ông cũng có một con đường mang tên Đặng Thành Chơn. Những người con Hoài Ân sống ở thủ đô Hà Nội phối hợp với Hội Khuyến học huyện đã lập quỹ “Học bổng Đặng Thành Chơn” và duy trì thường xuyên việc trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Tháng 1.1947, ông Ðặng Thành Chơn là Bí thư Huyện ủy huyện Hoài Ân, sau đó trúng cử Tỉnh ủy viên, phụ trách xây dựng cơ sở ở huyện Tuy Phước. Từ năm 1950-1953, ông là Bí thư Ðoàn Thanh niên Cứu quốc Khu V. Từ năm 1954-1956, ông là Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh. Từ 1957-1961, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách xây dựng LLVT của tỉnh. Từ 1962-1965, ông được điều động vào Trung ương cục miền Nam tại chiến khu Dương Minh Châu, làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng miền Nam, đại diện cho thanh niên trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ năm 1966-1967, ông được điều về Bình Ðịnh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban đấu tranh chính trị Khu V. Từ năm 1968-1973, ông làm Khu ủy viên Khu V và Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh. Từ năm 1974-1975, ông được giao phụ trách An ninh khu vực Khu V. Ðến năm 1976, ông là Phó ban Ban Dân vận Trung ương, ÐBQH các khóa VI, VII. Năm 1987, ông được nghỉ hưu.
Giang Trung (Chủ tịch Hội Khuyến học Hoài Ân)