Thay đổi cơ quan cấp phép, quản lý BVÐK tỉnh - Phần mở rộng:
Không ảnh hưởng hoạt động, quyền lợi bệnh nhân
BVĐK tỉnh - Phần mở rộng (nay là Bệnh viện Bình Định) thuộc Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Bình Định, hoạt động theo mô hình hợp tác công - tư theo quy định tại Nghị quyết 93/2014/NQ-CP ngày 15.12.2014 của Chính phủ; trong đó, nhà nước góp 40% vốn điều lệ. Theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4665/QĐ-UBND ngày 14.12.2017, bệnh viện hoạt động từ tháng 4.2018 quy mô giai đoạn 1 là 310 giường bệnh (công suất thiết kế 600 giường), gồm: 9 khoa lâm sàng, 4 khoa cận lâm sàng và 12 phòng, ban chức năng. Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật gồm 5.303 dịch vụ, trong đó vượt tuyến là 2.370 dịch vụ kỹ thuật.
Thay đổi cơ quan cấp phép
Đến ngày 5.4.2020, Bộ Y tế có Công văn 2468/BHYT-KH-TC về việc thanh toán BHYT đối với cơ sở khám chữa bệnh liên doanh, liên kết. Theo đó, BVĐK tỉnh - Phần mở rộng thuộc diện cấp giấy phép hoạt động và xếp hạng theo quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân (thẩm quyền của Bộ Y tế). Ngày 29.12.2020, Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động số 298/BYT-GPHĐ và quyết định số 5459/QĐ-BYT về việc phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương đối với Bệnh viện Bình Định (Sở Y tế cũng thu hồi giấy phép hoạt động, UBND tỉnh thu hồi quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trước đó cho bệnh viện).
Thực hiện phẫu thuật trên thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Bình Định.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Vào thời điểm bệnh viện đi vào hoạt động, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động đối với loại hình này. Sở Y tế sau khi tham khảo các tỉnh trước đó đã thành lập mô hình bệnh viện tương tự, ý kiến của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và các sở, ngành, đơn vị liên quan, đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án hoạt động theo hướng quản lý như đối với bệnh viện công lập. Việc cấp giấy phép hoạt động, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cho bệnh viện thuộc thẩm quyền của Sở Y tế và việc công nhận xếp hạng (bệnh viện hạng III) thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Như vậy, thay đổi ở đây là cơ quan quản lý và cấp phép hoạt động, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật từ thẩm quyền của tỉnh sang Bộ Y tế; không ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện và quyền lợi bệnh nhân.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Bình Định, cũng khẳng định thay đổi này không ảnh hưởng đến hoạt động và quyền lợi khám chữa bệnh của bệnh nhân. Bệnh viện ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với BHXH tỉnh để khám chữa bệnh cho người dân có thẻ BHYT.
Tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho bệnh viện
Trong 3 năm qua, bệnh viện tập trung tối đa nguồn lực nhằm phát triển và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh các khoa lâm sàng đã có, năm 2019, bệnh viện đưa vào hoạt động khoa Phục hồi chức năng, triển khai đơn nguyên Nội tim mạch và thành lập khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) vào năm 2020. Tăng cường ứng dụng và phát huy hiệu quả nhiều kỹ thuật mới trong khám và điều trị, như: Phẫu thuật thay khớp háng toàn thân và bán phần, cắt đoạn dạ dày, phẫu thuật nội soi cắt đoạn ruột non, cắt đại tràng phải mở rộng, plasma hỗ trợ điều trị vết mổ, kỹ thuật can thiệp tim mạch (DSA) trong bệnh lý mạch vành… Gia tăng các dịch vụ tiện ích cho bệnh nhân, đa dạng hóa, cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho các cơ quan, DN…
Chưa khai thác hết công suất
Tốc độ phát triển Bệnh viện Bình Ðịnh còn chậm và chưa khai thác hết công suất giai đoạn 1 (310 giường bệnh): 60% (năm 2018), 67% (năm 2019), 71% (năm 2020); trong khi phương án ban đầu là đến cuối năm 2019 công suất khai thác phải đạt… 600 giường bệnh! Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, bệnh viện đang làm đánh giá toàn diện hoạt động, qua đó có kế hoạch, giải pháp và sửa đổi đề án đã được tỉnh phê duyệt phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, khó khăn rất lớn nằm ở nhân lực bác sĩ. Từ tháng 3.2018, BVĐK tỉnh đã cử nhân sự sang làm việc tại bệnh viện này, cụ thể: Năm 2018 cử sang 88 người (riêng bác sĩ có đến 37 người, chiếm 66% tổng số nhân lực bác sĩ của bệnh viện - 56 người); năm 2019 cử sang 68 người (36 bác sĩ, chiếm đến 56% tổng nhân lực bác sĩ - 64 người); năm 2020 cử sang 51 người (26 bác sĩ, chiếm đến 40% tổng nhân lực bác sĩ - 65 người). Do đó, dù định hướng chiến lược là phát triển bệnh viện thành khu điều trị dịch vụ y tế chất lượng cao, nhưng việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao và nâng cao chất lượng chuyên môn còn rất nhiều hạn chế.
Ông Lê Quang Hùng cho biết, ngày 8.3.2021, UBND tỉnh có cuộc họp với các ngành liên quan về việc cho phép kéo dài thời gian làm việc tại Bệnh viện Bình Định của các viên chức đã được BVĐK tỉnh cử sang cho đến khi có chỉ đạo khác của tỉnh.
MAI HOÀNG