Về nơi nguồn cội đón Tết, vui Xuân
Sau bao nhiêu năm xa quê hương, Tết này, có những Việt kiều đã đưa cả nhà về quê ăn Tết, cốt để gia đình nhỏ của mình được gặp mặt, quây quần cùng người thân nơi quê nhà, hưởng một cái Tết Việt truyền thống trọn vẹn.
1. Những ngày này, không khí gia đình chị Trình Thị Tố Dung, 40 tuổi (ở phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn), thật vui vẻ, đầm ấm, bởi đã hơn 10 năm kể từ ngày sang định cư tại TP Kharkov, Ukraine, nay chị mới về quê. Lần trở về này, với chị Dung còn đặc biệt hơn nữa bởi có chồng chị, anh Tkchiov Denhis, và hai đứa con trai cùng về. Mấy ngày qua, chị Dung cùng chồng đi mua sắm bánh kẹo, hạt dưa, nếp... rồi dạo chợ hoa đường Nguyễn Tất Thành…
Anh Tkchiov Denhis tâm sự: “Ở Ukraine, vợ tôi cũng chuẩn bị nhiều món Việt để đón Tết nhưng không khí khá ảm đạm. Về Quy Nhơn, tôi cảm nhận không khí càng gần Tết càng nhộn nhịp, tất bật. Tôi được đi chạp mả, cúng tất niên, giờ hồi hộp chờ đón giao thừa, đi chùa, chúc tết, lì xì…Vợ tôi và các chị em trong nhà tổ chức làm rất nhiều món ngon như dưa kiệu, mứt dừa, mứt gừng, bánh in, bánh thuẫn… Tôi thấy món nào cũng đều ngon, riêng mứt gừng tôi không ăn được vì cay quá”. Nghe chồng kể đến đó, chị Tố Dung bật cười: “Lấy nhau 10 năm, nơi tôi ở có rất đông người Việt, thực phẩm không thiếu gì nhưng quả thật mình làm không khéo và không khí đón Tết không gì bằng ở quê nhà. Tôi đã thuê xe, Tết này, cả nhà sẽ đi lễ chùa, hội chợ Gò, lễ hội Đống Đa, để cho các con và chồng hiểu hơn Tết truyền thống của người Việt Nam nói chung và ở Bình Định nói riêng”.
2. Lần thứ 3 về nước, anh Nguyễn Văn Thanh, 33 tuổi, Việt kiều Đức, dẫn theo vợ và các con về ăn Tết từ đầu tháng 1. Chị Thanhthaoryan, người Đức gốc Việt, vợ anh Thanh, tâm sự: “Người Việt Nam còn có một truyền thống mà tôi thấy rất quan trọng là chạp mả. Ở Đức và nhiều nước phương Tây khác, nếu có, người ta chỉ thăm mộ người thân vào kỷ niệm ngày mất, ngày sinh nhật, hay nếu là vợ hoặc chồng thì thăm thêm vào dịp kỷ niệm ngày cưới”.
Lần đầu tiên về lo chạp mả phía nhà chồng, Thanhthaoryan chuẩn bị bánh kẹo, trái cây, nhang, hoa, cùng nhiều các vật phẩm cúng khác... Sợ quên, chị hỏi thăm chồng và gia đình chồng cặn kẽ để mua sắm cho đầy đủ, rồi ghi ra giấy chuẩn bị trước. Chị còn hỏi cách chào hỏi, cúng, khấn như thế nào cho đúng phong tục. Chị Thanhthaoryan tâm sự: “Tôi thích phong tục chạp mả, cúng tất niên, cúng ông bà tổ tiên trong những ngày Tết. Điều đó rất đáng trân trọng, rất hay, khi chúng ta mời những người thân đã qua đời cùng đón năm mới, như thể họ vẫn còn ở quanh chúng ta. Tôi có thử nhiều món ăn ở Quy Nhơn nhưng tôi không nhớ tên nhiều món. Tôi chỉ nhớ món bún cá, bánh bèo, bánh canh, nem nướng là món tôi rất thích, tôi ăn được nhiều lắm. Tết ở đây được nghỉ rất nhiều ngày, điều này giúp phụ nữ có được những giây phút nghỉ ngơi trong dịp Tết. Tôi thấy hầu hết phụ nữ đều làm việc rất vất vả trong cả năm, nên họ xứng đáng được thư giãn trong những ngày Tết”.
3. Còn chị Trần Thị Anh Thư, 34 tuổi, Việt kiều Nhật Bản, vì công việc của chồng và việc học của các con khá bận rộn nên chị chỉ về ăn Tết tại Quy Nhơn có một mình. Chị Anh Thư lấy chồng rồi đi Nhật đã được 8 năm, nay mới về quê ăn Tết. Còn thì trước đó, mùng 1 Tết, chị chỉ có thể cảm nhận không khí Tết quê nhà qua chat trên mạng với gia đình. Chị Anh Thư tâm sự: “Bao nhiêu năm xa Quy Nhơn, tôi thấy thành phố đổi khác quá nhiều, đẹp hơn, khang trang hơn. Về nhà, cảm giác hạnh phúc dâng trào đến phát khóc khi nhìn thấy ba mẹ đã già, tóc bạc. Những ngày qua, tôi đi thăm họ hàng và gặp gỡ bạn bè. Sắp tới, tôi và gia đình sẽ có nhiều dịp về Việt Nam hơn vì các con đã lớn, tôi lại quyết định hợp tác kinh doanh mỹ phẩm về Quy Nhơn theo lời đề nghị của người bạn”.
* * *
Hòa trong không khí đón xuân, đón Tết cùng gia đình, niềm vui gặp gỡ sau bao năm cách xa, họ, những phụ nữ lần đầu tiên đón Tết Việt hoặc sau nhiều năm xa cách mới có dịp về lại quê nhà đón Tết với gia đình, đều cảm thấy hạnh phúc. Sau những ngày bôn ba, miệt mài bên xứ người, họ có được khoảnh khắc đáng nhớ và kỷ niệm đong đầy trong những ngày Tết đến, Xuân về.
HẢI YẾN