Tận thu cát trên sông Tranh tạo nhiều hố sâu nguy hiểm
Theo phản ảnh của người dân thôn Quang Hy, xã Phước Lộc, phía thượng lưu đập Cây Xoài (sông Tranh, một nhánh của sông Côn) nơi giáp ranh giữa thôn Quang Hy và thôn Thọ Nghĩa thuộc xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), hằng ngày có nhiều xe tải Chiến Thắng, xe máy cày kéo rơ moóc xuống sông lấy cát chở đi tiêu thụ. Điều đáng nói việc khai thác cát đã để lại hệ lụy là tạo nhiều hố sâu nguy hiểm và có thể làm biến đổi dòng chảy.
Có mặt tại điểm khai thác cát giáp ranh giữa 2 thôn trên vào giữa tháng 4.2021, trên bờ cát là chiếc máy múc nằm bất động, bên cạnh có 3 người phụ nữ và một vài người đàn ông đang canh chừng không cho máy múc cát hoạt động. Họ chỉ vào những hố sâu hoắm có biển báo “Hố sâu nguy hiểm cấm lại gần” do đơn vị khai thác cát cắm. Minh chứng cho sự nguy hiểm một người đàn ông đã lội xuống hố sâu, có hố lút đầu người và cho biết đây là bến để bà con tắm cho bò, nhưng bây giờ trở thành hố sâu.
Biển báo hố sâu nguy hiểm.
Đi dọc theo sông Tranh thuộc thôn Quang Hy, chúng tôi phát hiện thêm 1 máy hút cát đang neo đậu bờ sông, trên bờ có một đống cát to và theo phản ánh của người dân địa phương, chiếc máy hút cát này chỉ hoạt động vào ban đêm bơm cát từ sông lên bờ, sáng hôm sau có xe độ đến chở cát đi bán. Việc hút cát này khiến người dân ở đây quan ngại sẽ bị rỗng chân đê, gây sạt lở đê sông.
Qua tìm hiểu, việc tận thu khai thác cát phía thượng lưu đập Cây Xoài do UBND xã Phước Nghĩa chỉ đạo. Theo ông Lê Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa, địa phương có tờ trình xin khai thác cát kết hợp khơi thông dòng chảy 0,6 ha bãi bồi nhánh rẽ sông
Tranh, thôn Thọ Nghĩa. Ngày 22.7.2019 của UBND tỉnh đã có Công văn số 4202 về chủ trương bàn giao cho UBND huyện Tuy Phước quản lý, khai thác một số điểm mỏ cát để phục vụ nhu cầu dân sinh và các công trình phúc lợi địa phương; trên cơ sở đó UBND huyện Tuy Phước ngày 18.2.2020, đã có Công văn số 130 hướng dẫn UBND xã thành lập tổ tự quản và xây dựng quy chế khai thác cát và nộp phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên đối với 0,6 ha bãi bồi nhánh rẽ sông Tranh. Hiện tại người dân có nhu cầu xây dựng đều làm đơn và trả phí 1 m3 cát là 30.000 đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
“Qua khảo sát địa phương có 2 điểm cát bồi, nhưng tỉnh và huyện chỉ cho phép khai thác điểm nhánh rẽ sông Tranh thôn Thọ Nghĩa, xã chỉ đạo khai thác đúng mốc giới và chiều sâu không quá 1,5 m”, ông Dũng cho biết thêm.
Tuy nhiên người dân ở thôn Quang Hy (xã Phước Lộc), có nhà gần điểm khai thác cát, kiến nghị: Việc khai thác cát để lại những hố sâu nguy hiểm, lũ v ề sẽ gây sạt lở đất ruộng, vườn, cuốn trôi nhà cửa. Đề nghị chính quyền kiểm tra, xem xét, không nên cho khai thác cát nữa.
Bài, ảnh: XUÂN THỨC