Môi trường kinh doanh Việt Nam phải được nâng cấp
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới có lẽ phải nâng cấp lên, không chỉ tháo gỡ rào cản nữa mà cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch.
Thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xây dựng một báo cáo đánh giá độc lập, phản ánh góc nhìn từ cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo sẽ phản ánh mức độ chuyển biến của môi trường kinh doanh Việt Nam qua cảm nhận của các doanh nghiệp trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm qua. Đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp cho giai đoạn sắp tới, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều kiện kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn tồn tại bất cập dù đã có nhiều cải cách. (Ảnh minh họa: KT)
Trong giai đoạn 2015-2020 xu hướng cải cách điều kiện kinh doanh được thực hiện nhiều chương trình mạnh mẽ và đem lại nhiều thành công, như bãi bỏ được hàng nghìn điều kiện kinh doanh trong các thông tư (cấp Bộ).
Đối với các điều kiện quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ; các điều kiện kinh doanh trùng lặp được bãi bỏ và giảm bớt nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo; khác biệt trong quy định pháp luật vẫn là những rào cản và chưa có phương án, giải pháp hiệu quả để khắc phục. Điều kiện kinh doanh chứa đựng trong điều kiện kinh doanh…
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải đổi mới quy trình, tăng cường chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, giảm chồng chéo, có sự chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan cấp phép thì không nên chủ trì trực tiếp quá trình soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật, bởi ban hành văn bản pháp luật có thể tạo ra những chi phí thực thi, kể cả cho doanh nghiệp cho xã hội và trong bộ máy rất lớn.
"Việc ra một văn bản pháp luật là phải tính toán đầy đủ các chi phí này. Để thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tôi cho rằng cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới có lẽ phải nâng cấp lên, không chỉ tháo gỡ rào cản nữa mà cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch", ông Tuấn nói.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)