Hai chuyện cần lưu ý
Trong dịp Tết, có hai chuyện không ai có thể tránh né dù có muốn hay không. Đó là chuyện bia, rượu và chuyện giao thông.
Đã thành lệ thường cứ đến Tết mức tiêu thụ các mặt hàng rượu, bia lại tăng cao, có khi tăng vọt hẳn lên so với ngày thường. Đơn giản chỉ vì từ lâu dân ta đã có quan niệm “vô tửu bất thành lễ” và vì thế uống rượu, bia là thói quen của nhiều người. Cũng tương tự là chuyện giao thông đi lại. Cứ vào dịp Tết là các nhà xe, nhà tàu và cả nhà máy bay đều cháy vé. Đơn giản chỉ vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân tăng lên rất cao trong dịp Tết.
Tuy nhiên, điều đáng lo là cả hai chuyện này lại có cùng một mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Do nhiều người lạm dụng rượu, bia vô độ dẫn đến tình trạng gây nguy hiểm về nhiều mặt. Thứ nhất là bản thân người sử dụng quá đà bị tổn hại về sức khỏe, thậm chí sinh mạng. Thứ hai là từ việc say xỉn sẽ dẫn đến hệ lụy là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo số liệu thống kê về an toàn giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống nhiều rượu, bia thường chạy tốc độ cao, lạng lách, lưu thông không đúng phần đường, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém, dễ ngủ gật, thậm chí khi bị lực lượng chức năng kiểm tra còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Do vậy, những người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng nhiều rượu, bia thì nguy cơ bị tai nạn giao thông cao hơn nhiều so với những người không sử dụng.
Tác hại của việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã quá rõ ràng, chế tài đối với hành vi này cũng đã có quy định cụ thể. Vấn đề còn lại ở đây chính là ý thức của mỗi người sau khi đã “nâng ly” và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu trách trong việc xử lý vi phạm. Hiện nay, pháp luật đã có chế tài nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những cá nhân sử dụng bia, rượu quá nồng độ quy định trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Nghị định 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 đã quy định mức phạt tiền khá cao, từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng quy định tùy mức độ. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị xử phạt bổ sung như: bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện…
Bên cạnh lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể cần thường xuyên vận động cán bộ, đảng viên, công chức, hội viên phải tiên phong, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Để cùng vui Tết, đón Xuân Giáp Ngọ - 2014 an toàn, lành mạnh và trọn vẹn, mọi người cần nhận thức rõ hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Giao An