Ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài: Tăng cường xử lý tàu bị cảnh báo, mất kết nối
Bên cạnh thực hiện các giải pháp thực thi Luật Thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường xác minh, xử lý trường hợp tàu cá bị mất tín hiệu kết nối hành trình, bị cảnh báo vượt qua ranh giới cho phép đánh cá của Việt Nam trên bản đồ điện tử thiết bị giám sát hành trình.
Tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài giảm hẳn, nhưng tàu bị mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS), bị cảnh báo vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt cá của Việt Nam trên bản đồ điện tử của thiết bị VMS vẫn thường xảy ra. Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trong năm 2020, có 317 lượt tàu/208 tàu cá bị cảnh báo, 4.904 lượt tàu/1.065 tàu cá mất tín hiệu kết nối. Đầu năm 2021 đến nay, có 14 lượt tàu/14 tàu cá bị cảnh báo, 115 lượt tàu/67 tàu cá bị mất tín hiệu kết nối.
Ngành chức năng tỉnh theo dõi tàu cá Bình Định đang hoạt động trên biển qua phần mềm giám sát VMS.
Tuy ngành chức năng kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng mất tín hiệu VMS thường xảy ra khiến ngư dân bị thiệt hại. Ngư dân Nguyễn Văn Quốc (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn), chủ 3 tàu cá đánh bắt xa bờ, bộc bạch: “3 tàu cá của tôi đều được lắp thiết bị VMS của Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT đầu năm 2020. Thiết bị hoạt động ổn định, đảm bảo tự động nhắn tin về bờ với tần suất 2 giờ/tin nhắn theo quy định, nhưng chuyến biển vừa rồi (từ ngày 20 - 22.3), không chỉ tàu của tôi mà nhiều tàu khác tín hiệu chập chờn 3 - 4 giờ mới nhắn được một tin, thậm chí 6 - 7 giờ. Do không đảm bảo đủ tin nhắn trong chuyến biển, bà con rất lo bị cắt chế độ hỗ trợ nhiên liệu”.
Trong khi đó, ngư dân Huỳnh Chánh Thi (phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn), kiến nghị: “Nhiều vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân Bình Định nói riêng, cả nước nói chung, nhưng tàu mới ra gần tới đó thì thiết bị báo hiệu vượt ranh giới cho phép, ngành chức năng cảnh báo vượt ra vùng tự do đánh bắt của Việt Nam. Ngư dân chúng tôi rất mong cơ quan chức năng xem xét để điều chỉnh lại các đường biên thể hiện trên bản đồ điện tử thiết bị VMS cho phù hợp”.
Với trường hợp tàu cá bị cảnh báo, ngành Thủy sản liên lạc ngay chủ tàu, thuyền trưởng quay về vùng biển Việt Nam và đưa vào nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để gửi ngành chức năng, địa phương phối hợp xử lý khi tàu về bờ. Riêng tàu cá mất tín hiệu kết nối, ngành Thủy sản đã và đang phối hợp đơn vị liên quan để kiểm tra, xử lý, nhất là trường hợp mất kết nối tín hiệu sau 10 ngày kể từ khi phát hiện tàu bị mất tín hiệu.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, cho biết: “Lâu nay các trường hợp tàu vượt ranh giới cho phép trên biển chúng ta chỉ mới xử lý, bắt ngư dân ký cam kết, do đó kế hoạch chống khai thác IUU năm 2021 của tỉnh chỉ đạo phải làm gắt gao hơn, nếu xác minh tàu bị cảnh báo mà có đủ chứng cứ sẽ xử phạt, kể cả tàu cá mất tín hiệu VMS từ 10 ngày trở lên mà không đưa tàu về bờ. Cùng với đó, đến ngày 30.6, tàu cá hoạt động tại vùng khơi mà không làm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng bị đưa vào nhóm có nguy cơ vi phạm IUU và gửi danh sách cho ngành chức năng các tỉnh bạn để phối hợp quản lý chặt chẽ số tàu này”.
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh yêu cầu BĐBP tỉnh, CA tỉnh, Sở NN&PTNT cùng các địa phương phải tăng cường quản lý tàu cá, nhất là số tàu hoạt động ngoài tỉnh đã lâu không về địa phương; phối hợp điều tra, xác minh làm rõ hành vi tắt thiết bị VMS, bị cảnh báo của chủ tàu cá, thuyền trưởng để đề xuất UBND tỉnh xem xét xử phạt hành chính theo luật định. Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN